Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT Bình Định cho biết: Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS thời gian qua được các cấp, ngành quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều lễ hội dân gian được khơi dậy, phát huy nét đẹp truyền thống của các DTTS. Các loại hình nghệ thuật dân gian, hoạt động văn hóa đã được phát huy trong dịp hội diễn, liên hoan, ngày hội.
Tuy nhiên, trước sự bùng nổ thông tin, giao lưu văn hóa và hội nhập hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS miền núi vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; các tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống hàng ngày của đồng bào; một số nét văn hóa tốt đẹp các DTTS chưa được gìn giữ và phát huy đúng mực và có nguy cơ mai một trong quá trình phát triển.
“Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhằm phát huy vai trò chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS; Sở VH&TT Bình Định tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, trống K’toang của đồng bào Chăm Hroi huyện Vân Canh, đây là một các nội dung trọng tâm của Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trong năm 2023”, bà Thảo chia sẻ.
Lớp tập huấn được tổ chức tại Nhà văn hóa khu phố Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) từ ngày 7 đến hết ngày 10/12, với sự tham gia của các nghệ nhân gạo cội truyền dạy cho hơn 60 học viên là công chức văn hoá xã, đồng bào Ba Na, Chăm Hroi ở địa phương.
Các học viên được quá triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; thông tin về thực trạng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh; công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể gắn phát triển du lịch ở Vân Canh; giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh để khai thác, xây dựng thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch. Đồng thời, học viên được hướng dẫn thực hành truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của người Chăm H’roi, Ba Na; biểu diễn trống K’toang của người Chăm H’roi ở địa phương…
Trước đó, Sở VH&TT Bình Định cũng đã tổ chức nhiều hoạt động theo kế hoạch thực hiện Dự án 6 trong năm nay, như: Tập huấn truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tái hiện Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Ba Na Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh; trao tặng nhạc cụ, trang phục truyền thống, thiết bị âm thanh cho các làng đồng bào DTTS ở huyện Hoài Ân...