Mục tiêu của kế hoạch là trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng số thiết yếu nhất để chủ động tiếp cận, khai thác, thụ hưởng thành quả của khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, thúc đẩy công tác phổ cập kỹ năng số, khơi dậy tinh thần tự học, tự rèn luyện kỹ năng số để chủ động tham gia vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Kế hoạch đề ra 5 nội dung quan trọng, đó là tuyên truyền, phổ biến, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số và công tác phổ cập kỹ năng số trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, mục tiêu và động lực của tiến trình chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, người lao động trong doanh nghiệp và người dân. Khai thác hiệu quả các nền tảng số, công nghệ số, nhất là trong công việc và cuộc sống, góp phần xây dựng đơn vị số, cộng đồng số, gia đình số và công dân số…
Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định tổ chức lớp tập huấn về “Vận hành, khai thác nền tảng trợ lý ảo”, dành cho cán bộ, công chức, viên chức Phong trào “Bình dân học vụ số” năm 2025 hướng tới một số mục tiêu như: 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, có kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc. 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Trên 60% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, tiếp cận và sử dụng các nền tảng, dịch vụ số thiết yếu…
Để phong trào lan tỏa, Ban Chỉ đạo về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo tỉnh giao Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy thực hiện truyền thông sâu rộng; cập nhật, nâng cao tri thức, phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan quản lý nhà nước… Trong khi đó, MTTQ Việt Nam tỉnh có trách nhiệm huy động những người có ảnh hưởng trong cộng đồng tham gia truyền thông, lan tỏa phong trào. Phổ biến đến từng hộ, người dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào.
Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh thực hiện biên soạn, triển khai các tài liệu, bài giảng cho từng chương trình phổ cập, phù hợp để đưa lên các nền tảng trực tuyến, đáp ứng số lượng người tham gia. Sở KH&CN thì xây dựng, tổ chức vận hành và duy trì các dịch vụ, nền tảng thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề để người dân thực hiện, sử dụng ngay trong quá trình rèn luyện kỹ năng số. Triển khai ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ học tập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, phát triển kỹ năng số dựa trên công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Triển khai mạng lưới “đại sứ số”; tổ công nghệ số cộng đồng…
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ phát triển phong trào “Gia đình số”; Sở Công Thương phát triển mô hình “Chợ số - Nông thôn số”; Công an tỉnh đảm trách xây dựng, phát triển mô hình “Mỗi công dân - Một danh tính số”…