Nghị quyết của Đảng uỷ NHCSXH TW đề ra những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi sốKhông có ranh giới cho đổi mới và sáng tạo
Mới đây, Đảng bộ NHCSXH Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 2093/NQ-ĐU nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong NHCSXH. Đây được xem là cú hích quan trọng, thể hiện tinh thần hành động mạnh mẽ, nhất quán theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, “Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động”.
Từ những vùng đất còn nhiều gian khó, đổi mới sáng tạo đã và đang tạo nên sức sống mới cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tại huyện vùng cao Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), chị Lù Thị Dung – Trưởng Kế toán Phòng giao dịch NHCSXH huyện – là một minh chứng rõ nét. Từ thực tiễn địa phương với điều kiện dân trí còn hạn chế, chị đã không ngừng sáng tạo, tham gia và triển khai nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng công việc như giải pháp kiểm soát quy trình cho vay Nhà ở xã hội hay nâng cao hiệu quả hoạt động ủy nhiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Những đổi mới tưởng chừng nhỏ bé nhưng đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy chất lượng tín dụng, giảm thời gian xử lý và phòng ngừa rủi ro trong triển khai chính sách.
Ở quy mô rộng hơn, Chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội đã thể hiện vai trò dẫn dắt toàn hệ thống trong đổi mới sáng tạo. Với sự chủ động trong tham mưu và triển khai các chủ trương lớn, chi nhánh đã giúp Thủ đô tăng tốc sau đại dịch, mở rộng đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách theo Luật Thủ đô sửa đổi, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm. Giai đoạn 2020 – 2025, tổng nguồn vốn hoạt động tại đây tăng trưởng hơn 9.226 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 15,8%/năm – cao nhất cả nước.
Không dừng lại ở các sáng kiến nhỏ lẻ, trong chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, NHCSXH đã có tới 1.030 sáng kiến được công nhận – cho thấy sức sáng tạo đang được lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống.
Vốn tín dụng chính sách góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà NộiĐột phá mới từ tư duy và khơi thông các nguồn lực
Từ năm 2021, NHCSXH đã ban hành Nghị quyết 317-NQ/ĐU về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đây là nền tảng cho một loạt bước tiến mới về hạ tầng công nghệ, số hóa quy trình, hiện đại hóa sản phẩm, dịch vụ.
Hiện NHCSXH đang triển khai nâng cấp hệ thống Core banking, nghiên cứu các dịch vụ ngân hàng số như Mobile banking, ứng dụng quản lý tín dụng chính sách toàn hệ thống. Những ứng dụng này giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân – đặc biệt là các nhóm yếu thế ở vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHCSXH cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng tốc độ và quy mô chuyển đổi số còn khiêm tốn so với yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng và xu hướng chung toàn cầu. Chính vì vậy, Nghị quyết 2093/NQ-ĐU ra đời trong năm 2025 là sự tiếp nối, nâng tầm và cụ thể hóa hướng đi chiến lược, nhằm tạo ra những đột phá toàn diện.
Nghị quyết 2093/NQ-ĐU xác định tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, NHCSXH sẽ xây dựng hạ tầng số hiện đại, tích hợp 100% cơ sở dữ liệu với hệ thống quốc gia, cung cấp 70% dịch vụ khách hàng trên nền tảng số, số hóa trên 70% quy trình cho vay, giao dịch điện tử chiếm 90% tổng tài khoản. Đặc biệt, NHCSXH phấn đấu lọt top 30 ngân hàng dẫn đầu Vietnam ICT Index.
Tới năm 2045, mục tiêu nâng cao trình độ khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ đưa NHCSXH vào nhóm 20 ngân hàng dẫn đầu cả nước. Khi đó, mô hình ngân hàng số hoàn toàn, ngân hàng mở (Open Banking), sản phẩm tài chính cá nhân hóa sẽ trở thành hiện thực.
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, NHCSXH đã xây dựng 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó đặt trọng tâm vào: đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, hoàn thiện chính sách khuyến khích sáng tạo và chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, ngân hàng dành tối thiểu 3% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để phục vụ phát triển công nghệ.
Theo Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy NHCSXH Trung ương Dương Quyết Thắng, yếu tố quyết định thành công chính là con người. NHCSXH sẽ tập trung xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin – lực lượng nòng cốt cho chuyển đổi số.
Cùng với đó, ngân hàng sẽ đa dạng hóa các chương trình đào tạo, đổi mới phương thức và nội dung đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và triển khai các mô hình đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là nền tảng để mỗi cán bộ NHCSXH không chỉ là người thực hiện, mà còn là người kiến tạo trong hành trình chuyển mình của toàn hệ thống.
Nghị quyết 2093/NQ-ĐU không chỉ là văn kiện mang tính chỉ đạo mà còn là kim chỉ nam hành động trong kỷ nguyên mới. Với tinh thần “Nghị quyết của hành động” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo, NHCSXH đang từng bước cụ thể hóa khát vọng phát triển bằng những mục tiêu rõ ràng, hành động quyết liệt và giải pháp đồng bộ. Trong đó, đổi mới tư duy, giải phóng tiềm năng con người và ứng dụng công nghệ chính là chìa khóa để tạo nên bước chuyển bứt phá, toàn diện – vì một hệ thống NHCSXH hiện đại, thân thiện, bao trùm và bền vững.