Theo đó, các nhiệm vụ chính của Kế hoạch gồm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Hoàn thiện chính sách, thể chế về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; Chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL phục vụ người dân, doanh nghiệp; Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm; Tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong thực hiện chuyển đổi số công tác PBGDPL; Tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.
Những năm qua, Bình Định luôn làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. (Ảnh minh hoạ)Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là đổi mới toàn diện, căn bản công tác quản lý, phương thức tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL cho người dân, doanh nghiệp thông qua ưu tiên ứng dụng công nghệ số kết hợp phương thức truyền thống phù hợp. Bảo đảm cung cấp thông tin pháp luật nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, tiếp cận mọi đối tượng, tăng cường tương tác; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tối ưu chi phí, thực chất, đáp ứng tối đa nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2025 - 2027), hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của địa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác PBGDPL bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, khả thi, phù hợp với Luật PBGDPL (sửa đổi). Nâng cấp, hoàn thiện Trang Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, bảo đảm phù hợp với Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, có chức năng chính là cung cấp thông tin pháp luật, PBGDPL cho người dân, doanh nghiệp; tham gia xây dựng kho dữ liệu số PBGDPL dùng chung; thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với các Cổng/Trang Thông tin PBGDPL của các bộ, cơ quan, tổ chức Trung ương và các địa phương khác trong cả nước; xây dựng, triển khai các ứng dụng số phục vụ công tác PBGDPL.
Phấn đấu ít nhất 80% người dân sinh sống tại khu vực thành thị và ít nhất 60% người dân sinh sống tại khu vực nông thôn được tiếp cận, tìm hiểu thông tin pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật thông qua các cơ sở dữ liệu, ứng dụng số, công nghệ số; ít nhất 80% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân tham mưu thực hiện công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được tập huấn kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, trong đó ít nhất 75% hoạt động tập huấn được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Giai đoạn 2 (2028 - 2030), phấn đấu ít nhất 90% người dân sinh sống tại khu vực thành thị và ít nhất 70% người dân sinh sống tại khu vực nông thôn được tiếp cận, tìm hiểu pháp luật thông qua các cơ sở dữ liệu, ứng dụng số, công nghệ số; 100% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân tham mưu thực hiện công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được tập huấn kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, trong đó ít nhất 90% hoạt động tập huấn được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sử dụng, khai thác các tiện ích, nền tảng, ứng dụng số PBGDPL tham gia đánh giá đạt 90%.