Trước đó, Công an huyện Như Xuân đã phối hợp với các đơn vị chức năng đồng loạt bắt giữ 11 đối tượng trong ổ nhóm đang có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khám xét tại chỗ, lực lượng Công an đã thu giữ 18 bộ máy tính để bàn, 20 điện thoại di động, 1 Laptop là công cụ, phương tiện mà các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của hàng nghìn nạn nhân trên địa bàn cả nước.
Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, từ khoảng cuối tháng 9/2023, sau khi học được “ngón nghề” lừa đảo trên không gian mạng từ một số đối tượng trở về từ Campuchia, Lê Tất Đạt đã mua 20 bộ máy tính cũ, 20 điện thoại di động thông minh mang về Hà Nội và Thanh Hóa thuê 2 địa điểm tại chung cư “Hùng Hiền 68” phường Đông Vệ, Tp. Thanh Hóa và số nhà 29, ngõ 6, tổ dân phố An Lạc, thị trấn Châu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội làm “đại bản doanh”.
Sau khi thuê được địa điểm, Đạt đã tuyển dụng gần 20 đối tượng là sinh viên, học sinh có kiến thức tin học, có kĩ năng giao tiếp và giao cho mỗi người một bộ máy tính để bàn, 1 điện thoại di động có cài sẵn các nội dung, dữ liệu trên tài khoản Facebook, Zalo và phân ra 2 nhóm tại Hà Nội, Thanh Hóa để tổ chức hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.
Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lê Tất Đạt đã hướng dẫn các “nhân viên” những “ngón nghề” lừa đảo. Theo đó, các đối tượng đã lập ra các trang Fanpage “Se duyên 1”, “Se duyên 2”, “Xem tình duyên miễn phí”... trên mạng xã hội Facebook và chạy quảng cáo. Khi có “khách” nhắn tin qua trang Fanpage hỏi thì các đối tượng đã tự xưng là “thầy”, “cậu”, “cô”... và yêu cầu nạn nhân kết bạn Zalo để được “tư vấn”.
Trong quá trình “tư vấn”, các đối tượng đã yêu cầu “khách” để lại thông tin như: Họ tên, ngày tháng năm sinh... Sau đó các đối tượng lên mạng tìm kiếm thông tin cơ bản về phong thủy hợp với tuổi của khách cung cấp rồi giả vờ tư vấn cho khách, đồng thời đưa ra những lời đe dọa phải giải vận hạn nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro trong thời gian tới.
Sau khi tạo được lòng tin, các đối tượng đề nghị “khách” mua các đồ vật tâm linh như: Bùa, ngải... để giải hạn hoặc vật phẩm mang lại may mắn như “đồng tiền xu, vòng gỗ hoàng đàn, vòng tỳ hưu, nhẫn” với giá giao động từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng tuỳ theo điều kiện của khách hàng. Thực tế, các mặt hàng này có giá trị thấp, các đối tượng chỉ mua với giá từ 1.000 - 10.000 đồng.
Với thủ đoạn trên, chỉ tính từ cuối tháng 9/2023 cho đến khi bị bắt, Lê Tất Đạt đã chỉ đạo các “nhân viên” của mình thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của hàng nghìn nạn nhân trên cả nước, với số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Hiện Công an huyện Như Xuân đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, xác định các bị hại cùng các đối tượng khác có liên quan để xử lý theo quy định. Qua vụ án này, đề nghị người dân cần cảnh giác trước các dịch vụ tâm linh lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi.