Cách thị trấn Nguyên Bình chừng 20km, xóm Hoài Khao nằm nép mình dưới một thung lũng nhỏ trong quần thể khu du lịch sinh thái Phja Oắc, Phja Đén. Những người cao tuổi ở Hoài Khao kể lại: Hằng năm, cứ vào mùa Xuân, ở hang Tà Lạt và Sán Vình luôn có nhiều đàn ong khoái về làm tổ. Tổ ong khoái to cỡ như tấm chiếu với hàng triệu con ong bám vào, tạo nên một cảnh tượng kỳ vĩ. Khi ong bay đi sẽ để lại sáp ong, lúc này cả xóm sẽ thống nhất chọn ngày đẹp, đóng góp gà, gạo... để làm lễ. Sau đó, những người đàn ông sẽ trèo lên cây lấy sáp ong đem về cho những người phụ nữ nấu lên, chia đều cho mỗi nhà.
“Đây chính là cách để người dân Hoài Khao lấy sáp ong làm nguyên liệu chấm lên các nét hoa văn thổ cẩm của dân tộc mình. Đến bây giờ, những đàn ong khoái vẫn luôn trở về làm tổ ở Tà Lạt và Sán Vình như một minh chứng cho mảnh đất Hoài Khao hoà hợp với thiên nhiên, trân quý những điều thiên nhiên đã ban tặng”, ông Chu Thanh Ngân, người cao tuổi xóm Hoài Khao khẳng định.
Xóm Hoài Khao hiện có 35 hộ dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) với bản sắc văn hóa đặc sắc được gìn giữ khá nguyên vẹn từ kiến trúc nhà ở, nghề dệt truyền thống… Với sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền huyện Nguyên Bình, Hoài Khao hiện có 3 hộ gia đình mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch cộng đồng (Homestay).
Anh Chu Khánh Nguyên, một trong những chủ Homestay hào hứng: Trước khi mở điểm du lịch cộng đồng, tôi được đi thăm quan mô hình tại một số tỉnh, huyện bạn, được tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Với những kiến thức được tiếp nhận, tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có được thành công trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, gia đình anh đón được 3 đoàn khách, sau đó, do dịch Covid-19 nên tạm dừng hoạt động. Trong thời gian giãn cách xã hội, anh đã tranh thủ sang sửa lại khuôn viên khu Homestay của gia đình, trồng thêm hoa, cây cảnh. “Mặc dù chưa có thu nhập cao từ mô hình du lịch cộng đồng, nhưng việc được trực tiếp làm du lịch cộng đồng, được giới thiệu đến với bạn bè gần xa những nét văn hóa đặc sắc của quê hương cũng là động lực để chúng tôi cố gắng…”, anh Nguyên chia sẻ.
Ông Nông Quốc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết: Việc chọn Hoài Khao để xây dựng thí điểm mô hình làng du lịch cộng đồng là một bước đột phá của huyện. Huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng tại 23 nhánh đường ngõ, xóm dài 1.104 m, hỗ trợ kinh phí để một số hộ dân chỉnh trang nhà ở, xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm gọn gàng, sạch sẽ để thu hút, phục vụ khách nghỉ lại qua đêm. Vận động các hộ dân duy trì và phát triển nghề in hoa sáp ong, thêu, dệt thổ cẩm, nghề chạm khắc bạc nhằm cung ứng sản phẩm lưu niệm... Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư nâng cấp nhà văn hóa, xây dựng khu đón tiếp khách, bãi đỗ xe, phục chế một số công trình văn hóa, bảo tồn một số phong tục tập quán và văn nghệ quần chúng; tổ chức trưng bày các dụng cụ, trang phục, đồ dùng sinh hoạt của đồng bào dân tộc Dao…
Có thể thấy, với lối sống gần gũi với thiên nhiên, ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường và sự thân thiện của người dân đối với du khách đến thăm quan đã giúp Hoài Khao trở thành điểm hẹn của rất nhiều du khách. Điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao sẽ chính thức mở cửa hoạt động từ tháng 10/2020, chắc chắn nơi đây sẽ mở ra một hướng đi mới vừa giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, vừa gìn giữ, bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao Tiền, từ đó góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững từ du lịch”.