Tây Nguyên xưa trên gốm
Say mê đồ cổ, anh Võ Minh Luân hiện đang sở hữu hơn 10.000 hiện vật, trong đó có bộ sưu tập gốm hàng trăm hiện vật về các dân tộc Tây Nguyên. Mỗi bộ sưu tập mang câu chuyện thú vị với ký ức văn hóa riêng và cách dẫn dắt chuyện hấp dẫn, nhà sưu tập trẻ đưa chúng tôi vào thế giới cổ xưa của vùng đất cao nguyên đại ngàn.
“Trong các dòng gốm, tôi thích gốm Nam Bộ, đặc biệt gốm Biên Hòa có chủ đề Tây Nguyên, mà chính bản thân cũng không lý giải được vì sao mình lại mê gốm đến vậy. Các hiện vật tôi có được đều rất ngẫu nhiên, tôi truy lùng mua qua mạng hoặc các nhà sưu tập lớn tặng”, anh Luân chia sẻ.
Anh Luân kể, anh bén duyên với đồ cổ năm 2013. Thời điểm đó, vợ chồng anh mới làm nhà xong, thấy trong nhà trống trải, vợ chồng rủ nhau đi dạo bờ kênh Sài Gòn, nơi bán nhiều đồ cổ để mua một số hiện vật về trưng trong nhà. Rồi anh mê mẩn các cổ vật và bắt đầu tìm hiểu, sưu tầm.
Chị Bùi Thị Yến (vợ anh Luân) công tác trong ngành Văn hóa nên cũng mê gốm và rất ủng hộ chồng. Mỗi khi chồng đi xem cổ vật, chị thường đi theo. “Lúc đầu chỉ mua đồ cổ bình dị và ít tiền, rồi thấy cái gì đẹp, anh cũng rước về nhà. Đến khi trong nhà rất nhiều cổ vật, anh nghĩ đến chọn cho mình một chủ đề riêng. Hai vợ chồng đi gặp các nhà sưu tập lớn để làm quen, tìm hiểu”, chị Yến nói.
Trong rất nhiều hiện vật của anh Luân, chiếc đĩa gốm có hình ảnh đoàn người đóng khố, ngực trần diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, uống rượu cần của Trường Mỹ thuật Biên Hòa có sức cuốn hút kỳ lạ. Anh Luân bảo, chiếc đĩa chính là linh hồn bộ sưu tập gốm Tây Nguyên của anh.
Hữu duyên với tranh
Ngoài chiếc đĩa, chiếc chóe được làm bằng men trắng nổi tiếng của gốm Biên Hòa cũng được anh coi như báu vật. Chiếc chóe có 7 tầng hoa văn, được vẽ trang trí hoa cúc và sen. Anh Luân nói, chiếc chóe này thuộc dòng chóe Vua Bảo Đại, hiện một chiếc tương tự đang đặt tại Dinh 3.
Nhà sưu tập nổi tiếng người Pháp Guy Lacombe mua của một người dân Đà Lạt, rồi ông về nước để lại cho một nhà sưu tập Sài Gòn. Thấy được giá trị của hiện vật và mong muốn đưa về Tây Nguyên bảo tồn, vì hữu duyên, anh Luân được NST tặng bổ sung vào bộ sưu tập Đại Ngàn.
Yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, NST Võ Minh Luân yêu tất cả mọi thứ về Tây Nguyên. Từ thú vui với gốm, anh đến với tranh, sách, ảnh có chủ đề Tây Nguyên xưa và nay. Hiện nay, anh đang sở hữu bộ sưu tập hơn 10.000 hiện vật. Trong đó, có hàng trăm bức các thể loại: Sơn mài, sơn nước, bột phấn. Đặc biệt là tranh của các họa sĩ người Tây Nguyên Y Nhi Ksor, Lê Vấn, Hồ Hậu, Trần Thanh Long, Ngô Tiến Sĩ…
“Đại ngàn House” là nơi duy nhất có đủ tranh của các họa sĩ nổi tiếng ở tỉnh Đăk Lăk như với tác phẩm hội họa đạt giải cao cấp khu vực, quốc gia và tham dự các triển lãm tranh quốc tế như bức tranh “Nụ cười M’nông” của họa sĩ Trần Thanh Long, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Đăk Lăk; “Chiều trên buôn làng” của họa sĩ Lê Vấn; “Chiều Cao nguyên” của họa sĩ Ngô Tiến Sĩ…
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk đánh giá, bộ sưu tập gốm, tranh, sách chủ đề Tây Nguyên của Võ Minh Luân rất độc đáo, bản sắc và rất đáng trân trọng, đó là khó báu “có một không hai”. Bộ sưu tập của anh Luân góp phần quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa của Tây Nguyên thông qua nghệ thuật gốm. “Chúng tôi khuyến khích Luân mở bảo tàng tư nhân để mọi người cùng được chiêm ngưỡng, trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên”, ông Duẩn cho biết.
Bộ sưu tập gốm, tranh, sách chủ đề Tây Nguyên của Võ Minh Luân rất độc đáo, bản sắc và rất đáng trân trọng, đó là khó báu “có một không hai”. Bộ sưu tập của anh Luân góp phần quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa của Tây Nguyên thông qua nghệ thuật gốm. “Chúng tôi khuyến khích Luân mở bảo tàng tư nhân để mọi người cùng được chiêm ngưỡng, trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên”.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk