Trong hàng triệu lao động (LĐ) người DTTS trên cả nước, hiện mỗi LĐ làm mỗi ngành nghề khác nhau, đem lại thu nhập cho gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Sự đa dạng ngành nghề của LĐ người DTTS đã cụ thể hóa quy định tại Điều 35 của Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”.
Đa dạng việc làm
Theo kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng KT - XH 53 DTTS gần đây nhất, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, cả nước có trên 3,6 triệu hộ đồng bào DTTS, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước, trong đó khoảng 3,1 triệu hộ (tương đương 83,3%) sống ở khu vực nông thôn. Cũng theo kết quả điều tra này, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước.
Cư trú chủ yếu ở khu vực nông thôn và nhờ hệ thống chính sách tập trung đầu tư, hỗ trợ cho khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi nên tỷ lệ dân số người DTTS trong độ tuổi LĐ có việc làm rất cao. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng KT - XH 53 DTTS, cả nước có gần 8 triệu LĐ người DTTS có việc làm, chiếm 82,1% tổng số người DTTS từ 15 tuổi trở lên.
Việc làm của lao động người DTTS cũng rất đa dạng. Theo kết quả điều tra, xét theo nghề nghiệp thì người DTTS ở vị trí “Nhà lãnh đạo” chiếm tỷ lệ 0,2% trong tổng số LĐ có việc làm từ 15 tuổi trở lên; làm “Chuyên môn kỹ thuật bậc cao” chiếm tỷ lệ 2,0%; làm “Chuyên môn kỹ thuật bậc trung” chiếm tỷ lệ 1,3%; làm “Nhân viên” chiếm tỷ lệ 0,5%; làm “Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng” chiếm tỷ lệ 5,3%; làm “Nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp” chiếm tỷ lệ 9,9%; làm “Thợ thủ công và vận hành máy móc thiết bị” chiếm tỷ lệ 5,3%; làm “Nghề giản đơn” chiếm tỷ lệ 68,6%.
Còn xét theo cơ cấu, LĐ người DTTS đang làm việc ở tất cả khu vực kinh tế. Trong đó, LĐ người DTTS trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ 73,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ 14,8%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ 11,9%.
Sự đa dạng ngành nghề của LĐ người DTTS cho thấy, việc bình đẳng trong việc làm và cơ hội việc làm ở Việt Nam, cụ thể hóa Điều 35 của Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” (khoản 1).
Theo TS. Phạm Thái Hưng - chuyên gia tư vấn độc lập về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, tại khoản 3, Điều 35 của Hiến pháp 2013 quy định: “Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức LĐ, sử dụng nhân công dưới độ tuổi LĐ tối thiểu” (khoản 3). Bộ luật Lao động và các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng nghiêm cấm các biện pháp phân biệt đối xử trong sử dụng LĐ.
“Hệ thống pháp luật của Việt Nam không phân biệt đối xử, tạo nền tảng pháp lý bình đẳng cho tất cả LĐ, trong đó có LĐ người DTTS”, TS. Hưng khẳng định.
Tạo cơ hội được làm việc
Là chuyên gia độc lập giàu kinh nghiệm về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, TS. Phạm Thái Hưng từng là thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu chính thức dự án cấp Bộ “Điều tra thực trạng sinh kế của người DTTS tái định cư các công trình thủy điện vùng DTTS và miền núi” của Ủy ban Dân tộc.
Gần đây nhất (ngày 263/2023), ông cũng đã có những khuyến nghị liên quan đến lĩnh vực lao động - việc làm cho người DTTS tại Diễn đàn điều phối lần thức I “Thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, tạo cơ hội cho đồng bào DTTS 3 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái”, do Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức ở Yên Bái.
TS. Hưng cho rằng, bên cạnh xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm quyền việc làm cho đồng bào DTTS, các chính sách hiện hành có nhiều biện pháp để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho LĐ người DTTS. Ví dụ, trong Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, có Tiểu dự án 3 (Dự án 5) về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững tại vùng nghèo, vùng khó khăn.
“Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều chính sách khác hỗ trợ LĐ người DTTS trong tiếp cận với các cơ hội học tập, nâng cao trình độ, đào tạo nghề… Nhiều chính sách có đối tượng hỗ trợ bao phủ tất cả các đối tượng người LĐ, riêng đối với LĐ người DTTS thì có mức hỗ trợ cao hơn về chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại, tiền thuê nhà… Bên cạnh chính sách từ Trung ương, nhiều tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS cao cũng ban hành những chính sách riêng để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho LĐ người DTTS”, TS. Hưng cho biết.
Chính nhờ hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, LĐ người DTTS càng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập. Đơn cử như hộ Giàng A Tuấn, dân tộc Mông, ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái) trước đây, thu nhập của gia đình anh chỉ trông chờ vào vụ lúa nương. Sau khi được hỗ trợ đào tạo nghề sửa chữa xe máy, anh mở cửa hàng tại nhà, gần đây anh còn học thêm nghề xây dựng trong chương trình đào tạo nghề ngắn hạn của huyện. Có tay nghề được đào tạo, việc làm thường xuyên nên mỗi ngày anh Tuấn có thu nhập 400 –500 nghìn đồng.
Trong một nghiên cứu của mình, TS. Đặng Công Cường (Trường Đại học Luật – Đại học Huế) cho rằng, bảo đảm quyền có việc làm của LĐ người DTTS là việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội nhằm tạo ra các điều kiện phù hợp để LĐ người DTTS có cơ hội tiếp cận, hưởng thụ quyền LĐ và việc làm của mình một cách bình đẳng, không bị phân biệt đối xử.
Chính vì thế, Nhà nước không chỉ tạo ra hệ thống quy phạm bảo hộ LĐ mà còn phải chịu trách nhiệm xây dựng các chính sách, tạo ra các công cụ kinh tế, tiền đề cần thiết khác để thị trường LĐ ngày càng phát triển, khả năng khởi nghiệp, tự tạo việc làm của người LĐ thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Theo các chuyên gia, một trong những công cụ quan trọng của Nhà nước để giải quyết các vấn đề của xã hội nói chung và giải quyết việc làm nói riêng cho LĐ là chính sách. Chính sách giải quyết việc làm là những biện pháp của Nhà nước tác động tới xã hội nhằm giải quyết các vấn đề về việc làm như đào tạo nghề, khuyến khích người LĐ tự tạo việc làm, hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm cho người LĐ. Và hiện nay, các chính sách của Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng tạo việc làm cho LĐ người DTTS.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.