Ở lại những khu bán trú, các em đỡ phải đi xa nhưng việc sinh hoạt trong các khu bán trú lại nảy sinh nhiều việc hết sức phức tạp.
Ở xã Cư Đrăm có hơn 100 em phải ở bán trú do nhà cách trường hàng chục km. Các em chủ yếu là học sinh học THCS và THPT. 80 em được vào ở khu bán trú của Trường THPT Trần Hưng Đạo và 16 em ở khu bán trú Trường THCS Cư Đrăm. Song còn hàng chục em vẫn phải ở các lều tạm bên ngoài. Khu lều tạm được phụ huynh mượn đất của những người dân gần trường dựng để các em trọ học. Mỗi căn phòng rộng chưa đầy 8m2 với từ 3 đến 5 em ở. Phòng ở chật hẹp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng; đồ dùng, quần áo, sách vở trong phòng bề bộn. Các em tự nấu ăn ngay trong phòng ở. Cơm ăn chủ yếu là rau, mắm, muối thỉnh thoảng có ít cá khô.
Ở xã Cư Pui cũng có gần 100 em phải ở bán trú, trong khi khu bán trú của nhà trường chỉ đủ cho hơn chục em ở. Còn lại đa số các em vẫn phải ở trong những căn lều tạm bên ngoài. Hai căn phòng tạm mỗi phòng rộng khoảng 20m2 nhưng có đến hơn 40 học sinh cả nam lẫn nữ ở chung. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong phòng ở. Đồ đạc, vật dụng bày biện lộn xộn. Mỗi khi học bài, các em phải nằm ra giường để viết vì không có bàn…
Ngay cả khi hơn 100 em được vào ở khu bán trú xây dựng khang trang ở Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trường THCS Cư Pui và Trường THCS Cư Đrăm nhưng vẫn có những khó khăn, bất cập… nhưng đến nay các trường vẫn chưa được cấp trên phê duyệt công nhận bán trú, cho dù nhà trường đã nhiều lần làm tờ trình.
Do không phải là mô hình bán trú mà chỉ được xem là những dãy nhà cho học sinh mượn ở nên các trường không có biên chế quản sinh, cấp dưỡng, bảo vệ. Ngoài việc cho các em vào ở trong khu nhà ở, còn lại gia đình và học sinh đều phải tự túc hoàn toàn từ ăn uống, dọn vệ sinh đến chi phí tiền điện, tiền nước. Thiếu sự quản lý nên việc sinh hoạt, học tập của các em cũng không có nền nếp.
Hiện nay, các trường này đang rất mong cấp trên sớm công nhận những mô hình này là khu bán trú dân nuôi, để thuận lợi trong quá trình quản lý của nhà trường và đảm bảo các chế độ cho các em học sinh.
TÙNG LÂM