Mới đây, Cục Thuế TP Hà Nội vừa lên tiếng cảnh báo tình trạng vi phạm pháp luật, khai sai giá bất động sản để trốn thuế. Giới đầu tư bất động sản còn gọi lại đây là "tiền chênh", nằm ngoài hợp đồng, hoàn toàn không có giấy tờ nào chứng minh. Người mua có nguy cơ mất trắng số tiền chênh này, nếu có tranh chấp xảy ra.
Khi giao dịch mua bán nhà đất, người bán sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Còn người mua phải đóng lệ phí trước bạ nhà.
Nếu giá chuyển nhượng căn nhà trên hợp đồng công chứng được ghi thấp hơn so với giá thực tế, cả hai bên sẽ giảm được tiền đóng thuế, phí. Ví dụ, một căn nhà giá 3 tỷ đồng, nhưng trên hợp đồng chỉ ghi 2 tỷ. Số tiền 1 tỷ đồng còn lại sẽ không phải chịu thuế, phí.
Tình trạng bán nhà "2 giá" còn diễn ra tại một số dự án bất động sản. Ngoài tiền ghi trên hợp đồng mua bán, sẽ là khoản tiền chênh đôi khi cao gần với với giá mua ký trên hợp đồng.
Cục Thuế Hà Nội khuyến nghị các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân cần thực hiện trung thực việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán. Những trường hợp khai giá thấp hơn thực tế sẽ bị xử lý.
Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, Chi cục Thuế Quận 10 đã phát hiện nhiều vụ mua bán căn hộ có giá trị chuyển nhượng lên tới 4 - 5 tỷ đồng nhưng lại kê khai nộp thuế có giá trị chỉ bằng 1/5 (khoảng 1 tỷ đồng). Chi cục này đã chuyển hồ sơ kiến nghị Công an điều tra làm rõ.
"Đây gọi là kiểu "hợp đồng âm - dương", sẽ là vẫn đề của thị trường, tạo ra một số lợi ích trước mắt, nhưng về trung và dài hạn, tính rủi ro rất cao. Ví dụ nhà đầu tư không đầu tư được", Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Kim Chung cho hay..
Thực tế, nhiều vụ việc khách hàng mua nhà "2 giá" đã xảy ra, nhưng 10 năm sau dự án vẫn chưa hoàn thành. Khi kiện ra tòa, nếu được giải quyết, họ chắc chắn sẽ chỉ được xem xét trả lại tiền theo hợp đồng. Còn số tiền chênh bên ngoài hợp đồng sẽ hoàn toàn mất trắng.