Ra đời từ năm 1993, với mục tiêu cho từng giai đoạn khác nhau đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đến nay, hệ thống khuyến nông, với nhiệm vụ chính là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường khả năng chống chịu thiên tai; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, nhu cầu của nông dân, người sản xuất đối với dịch vụ khuyến nông ngày càng tăng lên về cả số lượng và chất lượng, đòi hỏi hệ thống khuyến nông phải hoạt động có hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ công bảo đảm về số lượng và chất lượng. Để làm được điều này, việc củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông là một yêu cầu tất yếu, đồng thời là giải pháp bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông.
Cùng với đó, sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đòi hỏi các tổ chức khuyến nông phải có những đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, có phương pháp tiếp cận phù hợp để nắm bắt, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
Giải pháp xuyên suốt hiện nay đó là, phải đổi mới tư duy hoạt động khuyến nông từ “thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao” sang tư duy “hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về khuyến nông theo quy định của pháp luật”, tiếp cận với các quy định, chính sách về: Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công…
Tại hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố, Trung tâm Khuyến nông các địa phương đã nêu lên thực trạng, cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông ở cơ sở… Cụ thể, hiện nay một số tỉnh đã giải thể Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh; 36/63 tỉnh tiến hành hợp nhất Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, nhiều địa phương giải thể đội ngũ khuyến nông viên xã, công tác viên khuyến nông thôn bản…
Điều này làm “đứt gãy” hệ thống khuyến nông, làm hệ thống suy yếu và thiếu tính liên kết. Chính vì vậy, việc kiện toàn hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở là đòi hỏi cấp thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới…
Kết luận hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh: Để củng cố, đổi mới, kiện toàn hệ thống khuyến nông, giải pháp xuyên suốt là phải đổi mới tư duy hoạt động khuyến nông từ “thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao” sang tư duy “hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về khuyến nông theo quy định của pháp luật”, tiếp cận với các quy định, chính sách về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công.
Cần xây dựng, hoàn thiện các chính sách, thể chế về hoạt động dịch vụ sự nghiệp công khuyến nông; tăng cường kết nối trong hệ thống, kết nối hệ thống khuyến nông với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và doanh nghiệp; phát triển khuyến nông cộng đồng. Cần đảm bảo nguồn kinh phí ngân sách cho các dịch vụ khuyến nông cơ bản, thiết yếu.
Các địa phương cần quan tâm có chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý đối với người làm công tác khuyến nông, đặc biệt là cán bộ khuyến nông cơ sở; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào việc triển khai, thực hiện các hoạt động khuyến nông; tạo được sự kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong triển khai hiệu quả hoạt động khuyến nông…
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ghi nhận, tiếp thu toàn bộ kiến nghị của các địa phương và sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm củng cố, kiện toàn, đổi mới về tổ chức và hoạt động của hệ thống khuyến nông các cấp; đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch hành động, kế hoạch đổi mới để nâng cao hoạt động của hệ thống khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn, bản.