Tại buổi toạ đàm các đại biểu trao đổi, thảo luận với các nhà khoa học, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh rừng; quá trình triển khai thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong thời gian qua; mối liên kết giữa nông dân và nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp... Từ đó đưa ra những đề xuất, giải pháp, cơ chế chính sách để giúp người trồng rừng cũng như doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc trồng rừng, chăm sóc nuôi dưỡng rừng....
Được biết, Tuyên Quang hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ của rừng với tỷ lệ che phủ trên 65%. Những năm qua, để phát huy thế mạnh, Tuyên Quang đã và đang thực hiện nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, góp phần đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và giúp nâng cao đời sống của người trồng rừng, chẳng hạn như hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho người dân, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng rừng...
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có trên 192.100 ha rừng trồng; trong đó, rừng trồng sản xuất trên 175.600 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của tỉnh đạt trên 880 nghìn m3/năm, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng; thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC trên 35.800 ha rừng trồng, cao nhất cả nước, góp phần nâng cao giá trị gỗ rừng trồng lên 15%.
Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn sản phẩm/năm và nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất là 150.000 m3 sản phẩm/năm (tương đương khoảng 600.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm). Nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hằng năm trên 1 triệu m3... Các doanh nghiệp này đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động và bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, đến nay tỉnh đã trồng được hơn 11.200ha rừng, vượt hơn 10% kế hoạch trồng rừng trong năm 2022.