Tận tâm với dân
Ia R’vê có 14 thôn, hơn 2.000 hộ, gần 7.000 khẩu, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 23%. Do điều kiện khắc nghiệt, người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nên việc chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Trạm xá quân dân y kết hợp chính là điểm tựa cho người dân vùng biên.
Hơn 20 năm gắn bó với biên giới, Đại úy Hoàng Ngọc Linh, bác sĩ phụ trách Trạm xá quân dân y kết hợp xã Ia R’vê hiểu rõ những gian truân của người dân vùng đất khó này. Kinh tế khó khăn nên người dân nơi đây cũng không có điều kiện chăm sóc sức khỏe.
Đại úy Ngọc Linh chia sẻ: Vì không có điều kiện theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Nhiều người bị bệnh nan y, chúng tôi vận dụng biện pháp đông tây y kết hợp để chữa trị và cho kết quả khả quan. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, có những hôm người dân gõ cửa lúc nửa đêm vì bị thương khi đi rẫy về, mình nghe tiếng gọi là dậy để kiểm tra, xử lý vết thương, khâu vá. Nhiều người già không đi lại được thì mình đến tận nhà khám, chữa bệnh.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn 2, xã Ia R’vê là lao động chính trong gia đình, không may đổ bệnh bị liệt tay chân. Suốt 1 tháng ròng tôi đến tận nhà chữa trị, châm cứu và bà đã khỏi bệnh, đi lại, lao động bình thường. Tận tâm với dân, Đại úy Ngọc Linh được người dân vùng biên tin tưởng, nhiều người bệnh trong vùng tìm đến anh để chữa bệnh. Vì thế, Trạm xá quân dân y kết hợp xã Ia R’vê lúc nào cũng có bệnh nhân.
Bà Nông Thị Cần, ở thôn 5, xã Ia R’vê cảm động nói: Tôi mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị, bác sĩ Linh thường xuyên đến thăm khám, điều trị cho tôi. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê còn nhận con trai tôi làm con nuôi của đơn vị, nuôi nấng, chăm sóc cho cháu đi học. Cán bộ quân y Bộ đội Biên phòng giúp bà con ở đây nhiều lắm, lúc ốm đau các chú thăm khám cho thuốc điều trị, giúp đỡ tận tình, trách nhiệm.
Tương tự, đối với người dân xã Ia Lốp, Trạm xá quân dân y kết hợp chính là địa chỉ tin cậy mỗi khi cần khám bệnh, chăm sóc sức khỏe. Dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng Trạm xá quân dân y kết hợp xã Ia Lốp đã đáp ứng sự mong đợi của hơn 1.600 hộ dân trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn này.
Ia Lốp là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp với hơn 1.600 hộ dân, hơn 6.500 nhân khẩu, trong đó cồng bào DTTS chiếm hơn 50%, chủ yếu dân di cư tự phát từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp. Phần vì điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn, phần vì vẫn còn một số người duy trì tập tục lạc hậu đau ốm điều trị bệnh bằng việc cúng bái.
Bà Nguyễn Thị Tiên ở thôn Đừng, xã Ia Lốp kể: Trước đây, bà con thôn Đừng phải đi hơn 50km đường đất để ra huyện chữa bệnh, vất vả vô cùng. Từ khi có Trạm xá quân dân y, người dân ốm đau tìm tới thầy thuốc biên phòng khám bệnh, cho thuốc. Bản thân tôi bị bệnh đau xương khớp, đi lại rất khó khăn nên không đến trạm được, hàng ngày các bộ quân y đến tận nhà thăm khám, chữa trị.
Trạm xá quân dân y kết hợp được xây dựng không những góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, mà còn góp phần từng bước xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan, lạc hậu quả người dân. Từ khi có Trạm quân dân y kết hợp, việc khám chữa bệnh của người dân thuận lợi, hiệu quả hơn, nhận thức của người dân cũng thay đổi.
Điểm tựa chăm sóc sức khỏe của người dân vùng biên
Đến nay, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã xây dựng 3 Trạm xá quân dân y kết hợp trên địa bàn 3 xã đặc biệt khó khăn gồm xã Ia R’Vê, Ia Lốp của huyện Ea Súp và xã Krông Na của huyện Buôn Đôn.
Nhiều năm qua, các Trạm xá quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị tổ chức hàng trăm buổi khám bệnh, cấp phát thuốc miến phí cho hơn 3.000 lượt người dân. Hỗ trợ hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét… góp phần nâng cao sức khỏe Nhân dân, cũng cố thế trận lòng dân nơi biên giới.
Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê cho biết: Ia R’vê là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở vật chất y tế tuyến xã còn hạn chế. Trong khi đó, một số thôn ở xa, đường xá đi lại khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ quân y vẫn đến tận nơi để khám bệnh cho dân. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê đã hỗ trợ người dân địa phương rất nhiều, nhất là công tác khám chữa bệnh. Nhờ đó, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương được cải thiện đáng kể.
Mô hình Trạm xá quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk không những giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân vùng biên giới tốt hơn, mà còn góp phần thắt chặt tình cảm quân dân nơi phên dậu của Tổ quốc. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu của Dự án 7 về “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.