Xác định năm học 2019-2020 là năm học bản lề chuẩn bị các điều kiện cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 23/5/2019 về thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông, trong đó xác định rõ lộ trình, nội dung chuẩn bị, đặc biệt là về cơ sở vật chất.
Theo ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, để chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới, từ đầu mùa hè Bắc Giang đã đầu tư xây dựng 3.403 phòng học mới, bảo đảm đủ 1 phòng học/1 lớp; xóa toàn bộ phòng học tạm, phòng học xuống cấp; xây dựng mới 1.652 phòng chức năng để đảm bảo đủ theo quy định của điều lệ từng cấp học... Tổng nguồn kinh phí khoảng 3.517,88 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ sở vật chất là 3.021,71 tỷ đồng; mua sắm thiết bị, đồ chơi là 496,17 tỷ đồng.
Học sinh Trường Tiểu học An Lập, huyện Sơn Động.Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Bắc Giang đã tiến hành rà soát, sắp xếp, bố trí giáo viên hiện có phù hợp thực tế trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Trong năm 2019 tuyển mới 510 giáo viên tiểu học, nâng tỷ lệ giáo viên/lớp cấp tiểu học năm học 2019-2020 đạt 1,43 giáo viên/lớp. Cụ thể đối với giáo dục mầm non, tỉnh tích cực tham mưu thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025; tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ...
Đối với chương trình giảng dạy lớp 1 tỉnh Bắc Giang đã triển khai phương pháp dạy tiếng Việt theo công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Thầy Lê Đình Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lập, Sơn Động cho biết: Trường đã áp dụng phương pháp giảng dạy này và đã mang lại hiệu quả tích cực. Sau khi học sinh nắm rõ cách phát âm thì học sinh sẽ ghi nhớ mặt chữ rất chắc, nên được phụ huynh, học sinh hưởng ứng tích cực.
Còn đối với chương trình giáo dục dân tộc, ngành Giáo dục Bắc Giang hướng tới công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Điển hình như Trường PTDTNT Lục Ngạn nhờ áp dụng phương pháp này nên đã đạt thành tích cao trong công tác dạy và học. Theo bà Bùi Thị Nga, Hiệu trưởng Trường PTDTNT Lục Ngạn thì với đặc thù là trường chuyên biệt dành cho học sinh dân tộc nội trú nên Ban Giám hiệu nhà trường xác định, công tác chăm sóc, giáo dục các em luôn được quan tâm, chỉ đạo bằng việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo định hướng: Giáo dục trí tuệ trước hết phải chăm lo sức khỏe, tâm hồn, giáo dục đạo đức, và kỹ năng sống...
Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể chuẩn bị bước vào năm học mới ngành Giáo dục Bắc Giang đang đáp ứng được các yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.
THÚY HỒNG