Tại xã vùng cao An Toàn, nơi được mệnh danh là “cổng trời”, trước đây rừng núi bao la, dân cư thưa thớt, sản xuất chủ yếu dựa vào nước trời nên nghèo khó, thiếu đói quanh năm. Nay nơi đây đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả có giá trị, trong đó nổi bật nhất là cây dứa.
Theo anh Lê Minh Tín, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Toàn, phần lớn đất sản xuất ở địa phương này là đất đồi, trước đây bà con chủ yếu trồng lúa rẫy, bắp, mì… Thời gian gần đây, nhờ những Chương trình Khuyến nông được triển khai hằng năm và sự khuyến khích của chính quyền, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng dứa, mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế khá.
Hiện cả xã An Toàn đang có gần 7ha dứa với 40 hộ dân tham gia. Nhà trồng ít thì vài sào (500m2/sào), nhà trồng nhiều đến 1 - 2ha. Ông Đinh Văn Lớ, ở thôn 3 chia sẻ: Năm 2018, tôi trồng thử 2 sào dứa, sau hơn 1 năm chăm sóc, dứa bắt đầu thu hoạch. Thấy cây dứa mang lại hiệu quả kinh tế nên tôi mở rộng diện tích. Đến nay, tôi trồng được hơn 10.000 gốc dứa trên diện tích hơn 1ha, vụ thu hoạch vừa rồi đạt 10 tấn. So với các cây trồng khác, thì trồng dứa đầu tư ít, nhưng lợi nhuận cao hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho hay: Trong giai đoạn vừa qua, nhờ chính sách của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện An Lão đã có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là biết sử dụng giống lúa lai vào sản xuất. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh lúa nước đã giúp đồng bào thay đổi nhận thức và có thêm thu nhập.
Một trong những thay đổi đáng ghi nhận nhất, là đồng bào DTTS ở An Lão không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây. Bây giờ, ý thức tự lực vươn lên của đồng bào đã được nâng cao. An Lão bây giờ đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được nhân rộng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5 - 7%/năm. Đơn cử như trang trại tổng hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Vân ở thôn 2, thị trấn An Lão rộng hơn 4ha. Trên diện tích này, bà Vân trồng keo lai và kết hợp chăn nuôi heo rừng, gà.
Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, canh tác và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nên trang trại của gia đình bà Vân phát triển ổn định, thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng. Gia đình bà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong việc phát triển mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định.
Hay như mô hình nuôi gà an toàn sinh học của gia đình anh Đinh Văn Thảo, dân tộc Hrê ở thôn 2 (xã An Hưng). Trong vườn nhà, anh Thảo nuôi 200 con gà ta thả vườn. “Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học, tôi an tâm nuôi. Quy trình nuôi không khó, đàn gà ít dịch bệnh, tỷ lệ gà nuôi sống đạt 98% nên cho hiệu quả cao. Tôi tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như lúa, bắp và rau xanh bổ sung thêm thức ăn nên gà mau lớn”, anh Thảo chia sẻ.
Ông Đỗ Tùng Lâm chia sẻ: Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung phát triển du lịch dựa trên những lợi thế sẵn có. An Lão có nhiều sông ngòi, thác nước rất đẹp, nhiều diện tích rừng, nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn nằm trên địa bàn xã An Toàn. Thêm vào đó, hai dân tộc Ba Na và Hrê đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây sẽ là những tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch cộng đồng mang lại thu nhập cao cho đồng bào.