Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, qua 11 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) 30a, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn lồng ghép khác, tỉnh đã đầu tư trên 4.000 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, đào tạo nghề cho người dân tại các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão.
Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt tại 3 huyện miền núi này đạt 99,3%, số hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,4%, đường giao thông liên xã được bê tông và nhựa hóa đạt 88,5%; đường thôn, làng được cứng hóa đạt 91,3%. Thu nhập bình quân đầu người đến đầu năm 2020 đạt 30,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện giảm bình quân hằng năm 5 - 7%.
Điển hình trong việc thực hiện có hiệu quả nguồn vốn 30a là huyện An Lão. Thống kê qua 11 năm, huyện đã đầu tư hơn 404 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Nhờ vậy, bộ mặt của các xã vùng sâu, vùng xa có sự đổi thay đáng kể.
Ông Đinh Văn Liên, Chủ tịch UBND xã An Nghĩa, chia sẻ: Đường giao thông kết nối từ trung tâm xã về huyện đã được bê tông hóa hoàn chỉnh, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Điện lưới quốc gia đã được kéo về khắp các làng, thôn; trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư nâng cấp kiên cố, bảo đảm các điều kiện cần và đủ để địa phương phát triển.
Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam thống kê: Toàn bộ đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã được bê tông hóa, giao thông thông suốt; 100% số xã được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 10/10 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân 7,5%, vượt chỉ tiêu đề ra là giảm 5%/năm.
Còn tại huyện Vĩnh Thạnh, thời gian qua cũng đã tiếp nhận hơn 300 tỷ đồng để triển khai xây dựng 112 công trình; trong đó, có 14 công trình giao thông, 34 công trình thủy lợi, 44 công trình giáo dục văn hóa, 11 công trình điện và nước sinh hoạt, 10 công trình y tế.
Huyện Vân Canh cũng được thụ hưởng hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn 30a. Nhờ đó, nhiều làng vùng cao đã có những đổi thay. Đơn cử như ở “cổng trời” Canh Liên, kỳ tích về điện, đường đã mở ra nhiều niềm vui lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Ba Na nơi đây đi lại, làm ăn phát triển kinh tế.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh về kết quả thực hiện NQ 30a mới đây, lãnh đạo các địa phương và các sở, ngành chức năng của tỉnh đánh giá cao tính hiệu quả của Chương trình này. Ông Đinh Yang King, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao sự điều hành, chỉ đạo, giám sát của các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong phối hợp thực hiện chương trình.
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng lưu ý, chính quyền các địa phương cần chủ động phát huy nội lực, xác định rõ từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng để kịp thời hỗ trợ, nhân rộng, giúp người dân làm giàu.