Tham gia buổi họp mặt có đại diện lãnh đạo Vụ Địa phương III (Ủy Ban Dân tộc), Tỉnh ủy, UBND, Ban Dân vận và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang. Các vị nguyên là cán bộ làm công tác dân tộc; các cán bộ, công chức đang công tác tại Phòng Dân tộc các huyện, thành phố. Đặc biệt là sự có mặt gần 120 Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
An Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có núi và có đường biên giới dài gần 100 km giáp Campuchia. Tỉnh có 4 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc kinh chiếm đa số 95,15 %, kế đến là dân tộc Khmer chiếm 3,98%, dân tộc Chăm chiếm 0,59% và dân tộc Hoa chiếm 0,27%.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, cuối năm 2021, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn trên 20.000 hộ, trong đó hộ nghèo DTTS gần 4.000 hộ, chiếm tỷ lệ 19,7%; hộ cận nghèo còn gần 1.900 hộ, chiếm tỷ lệ 6,2%. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh An Giang có 38 xã thuộc vùng DTTS và miền núi, trong đó có 8 xã và 27 ấp đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2021 - 2025, số xã thuộc vùng DTTS và miền núi tại An Giang giảm chỉ còn 16 xã, trong đó có 7 xã và 10 ấp đặc biệt khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 120 Người có uy tín trong đồng bào DTTS (Chăm, Khmer và Hoa) theo Quyết định 609/QĐ-UBND ngày 25/3/2021 của UBND tỉnh An Giang. Người có uy tín trong đồng bào DTTS có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng, dòng họ; được xem như cầu nối của các cấp chính quyền trong việc vận động bà con chấp hành các đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương, góp phần xây dựng và giữ vững khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thời gian qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tích cực vận động đồng bào tham gia lao động sản xuất, thực hiện và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các kiến thực khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, ổn định đời sống. Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo… tạo sự đồng thuận, xây dựng khóm, ấp đoàn kết, bình yên, phát triển.
Trao đổi tại buổi họp mặt, các Người có uy tín đã có nhiều ý kiến đóng góp và đánh giá cao các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, như: Chính sách xóa đói giảm nghèo; chính sách về nhà ở, đất ở; các chính sách chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp; các chính sách y tế, giáo dục đã chăm lo cho đồng bào DTTS kịp thời, nhất là trong các đợt dịch Covid-19, đã được hỗ trợ y tế, lương thực, thực phẩm khi địa phương áp dụng các Chỉ thị 15, 16...
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang khẳng định: Người có uy tín là “cánh tay nối dài” của Đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở...
“Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quốc phòng, an ninh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Người có uy tín trên địa bàn An Giang luôn tuyên truyền vận động Nhân dân các dân tộc nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc, phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực vận động đồng bào các dân tộc ngăn chặn và chống lại các luận điệu phao tin, đồn nhảm, mê tín dị đoan, sinh hoạt tín ngưỡng trái quy định… góp phần làm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, khu dân cư”, ông Men Pholly khẳng định.