Đến sáng 7/4, thế giới có tổng số 133.009.551 ca nhiễm và 2.885.278 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 574.753 và 11.778 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 7/4, đã có 107.254.337 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 22.869.936 ca bệnh đang điều trị, có 22.770.550 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 99.386 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với việc có thêm 115.269 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (82.869 ca) và Mỹ (62.283 ca). Tuy nhiên, Brazil lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 4.211 ca, sau đó là Mỹ (905 ca) và Ấn Độ (631 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 40.677.422 ca, trong đó có 931.976 ca tử vong và 28.804.896 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 107.207 ca nhiễm và 3.071 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.585.841.308; 4.597.868 và 4.364.529 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 126.882 ca, sau khi có thêm 20 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (111.747 ca) và Nga (101.106 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 75.570 ca nhiễm COVID-19 và 1.194274 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 36.352.046 và 826.653 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 31.560.438 ca nhiễm và 570.259 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.251.705 và 1.020.893 ca nhiễm, cùng 204.399 và 23.141 ca tử vong vì COVID-19.
Với 29.791.505 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 7/4, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 437.950 ca đã tử vong do COVID-19 và 26.911.785 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 12.799.746; 3.579.185 và 1.963.394 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 166.208; 32.667 và 63.506 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 135.906 ca nhiễm và 5.079 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 21.804.330 ca và 572.925 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 82.869 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 13.106.058 vào thời điểm hiện tại, và 4.211 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 337.364 ca.
Tính đến sáng 7/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.324.953 ca, trong đó có 114.610 ca tử vong và 3.875.884 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.552.853 ca nhiễm và 53.032 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 437 ca nhiễm và 37 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 499.025 và 263.043 ca nhiễm bệnh cùng 8.865 và 9.039 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 58.574 ca nhiễm (tăng 33 ca) và 1.149 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 7 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.364 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong không ngừng gia tăng, việc nghiên cứu, phát triển và tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới và được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 6/4 cho biết đang thúc đẩy hơn 3,1 tỷ USD tài trợ liên bang đối với đạo luật cứu trợ COVID-19 để giúp các tiểu bang và thành phố lớn thực hiện việc tiêm chủng cho người dân. Tổng thống Biden cùng ngày cũng thông báo tất cả người Mỹ trên 16 tuổi sẽ đủ điều kiện nhận vaccine trước ngày 19/4, sớm hơn thời hạn dự kiến là ngày 1/5. CDC sẽ gửi các khoản tài trợ đã được phê duyệt theo Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ đến 64 tiểu bang, vùng lãnh thổ và thành phố lớn.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ không hỗ trợ một hệ thống yêu cầu người Mỹ phải mang theo chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là "hộ chiếu vaccine".
Trong một diễn biến khác, Đại học Oxford của Anh ngày 6/4 đã tuyên bố tạm dừng việc thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa COVID-19 mà trường này phát triển cùng với công ty AstraZeneca trên khoảng 300 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 6 đến 17. Đại học Oxford cho biết đã quyết định dừng nghiên cứu để đợi các “thông tin bổ sung” từ Cơ quan quản lý Thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe Vương quốc Anh (MHRA), sau khi xem xét các trường hợp đông máu và giảm tiểu cầu ở một số người lớn được tiêm chủng. Tuy nhiên, Đại học Oxford khẳng định "không có lo ngại về an toàn trong nghiên cứu nhi khoa này"./.