Nâng cao giá trị sản phẩm
Được thành lập tháng 8/2020, Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choáh, huyện Krông Nô, có lực lượng đông đảo, với 311 thành viên. Các thành viên liên kết trồng trên 440ha lúa VietGap với các giống ST24, ST25. Không chỉ sản xuất, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh còn liên kết với các doanh nghiệp trong nước tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân Buôn Choáh.
Anh Triệu Văn Trường, thành viên HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, trước đây, gia đình anh sản xuất lúa, chỉ mong đủ ăn chứ không nghĩ đến việc tạo ra sản phẩm để bán ra thị trường. Vào HTX, anh được hướng dẫn sản xuất lúa theo hình thức, quy mô hàng hóa. Trong đó, anh và các thành viên được HTX hỗ trợ phát triển sản xuất lúa đặc sản để nâng cao giá trị sản phẩm. Với 2ha đất trồng lúa ST24, ST25, mỗi năm anh thu về khoảng 120 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí).
Những năm trước, huyện Krông Nô chưa có nhiều HTXhoạt động hiệu quả. Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, cùng với sự thay đổivề nhận thức, quan điểm chỉ đạo và sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của chínhquyền, sự nỗ lực cố gắng của các HTX đã giúp huyện Krông Nô thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Nhờ có các HTX mà nông sản của Krông Nô được nâng cao giá trị, nhiều người biết đến. Krông Nô hiện có 37 HTX, trong đó có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Quy mô, chất lượng, hiệu quả sản xuất các HTX không ngừngđược nâng lên. Các HTX đầu tư ứng dụng công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất,tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/HTX/năm, cao hơn so với trung bình chung của tỉnh và ngày càng có nhiều HTX tiêu biểu.
Ở huyện Cư Jút, HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà đã thành công, với mô hình trồng cây gấc trên đất bazan. Hiện tại, HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà đã có 100 hộ dân trồng hơn 100 ha gấc, cho thu nhập bình quân từ 100-200 triệu đồng/năm. “Ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu thì chúng tôi chế biến trên 15 sản phẩm từ gấc, trong đó chủ yếu là tinh dầu gấc, bún gấc, phở gấc… được thị trường đón nhận”, ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà chia sẻ.
Hoạt động trên địa bàn có đông đồng bào DTTS, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, bon Đăk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã liên kết với 120 hộ đồng bào dân tộc M'nông để trồng cây mắc ca. Sự hợp tác này đã tác động rất lớn đến đời sống của bà con DTTS trong vùng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, mỗi năm, HTX thu mua khoảng 80 tấn mắc ca tươi. Năm vừa qua, sản phẩm mắc ca của HTX được công nhận đạt 3 sao Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Đăk Nông, qua đó giúp nâng cao giá trị lao động của bà con M'nông trồng mắc ca. Đây là kết quả bước đầu của HTX trong việc thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thu nhập cho các hộ thành viên cũng như đồng bào DTTS.
Phát triển HTX kiểu mới là xu thế tất yếu
Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX, tỉnh Đắk Nông đang hình thành, phát triển các mô hình HTX kiểu mới ngày càng rõ nét. Toàn tỉnh hiện có 29 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng như cà phê, ca cao, hồ tiêu, lúa gạo, gấc, chanh leo. HTX Nông nghiệp Buôn Choáh, HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực là ba trong số hằng trăm HTX kiểu mới đã và đang làm ăn có lãi. Không chỉ nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp mà các HTX này còn góp phần tạo dựng thương hiệu, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong nhiều năm qua.
Như chia sẻ của anh Triệu Văn Trường, thành viên HTX Buôn Choáh: HTX kiểu mới khác hẳn so với HTX kiểu cũ. Nếu như trước đây, nông dân vào HTX là đất đai, tài sản trở thành của chung của HTX và chia đều lợi nhuận. Còn ngày nay, tham gia HTX là góp vốn chung để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ai làm nhiều, đóng nhiều thì hưởng nhiều. Còn ai làm ít, đóng ít hưởng ít, nên rất công bằng”.
Đánh giá cao mô hình HTX kiểu mới, chị Bùi Thị Tuyến, thành viên Tổ kỹ thuật sản xuất lúa VietGAP của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh thì cho rằng: HTX kiểu mới là HTX mua chung, bán chung, chung kỹ thuật trồng lúa VietGAP. Đất đai, tài sản của gia đình nào thì vẫn của nhà đó. Chúng tôi không mất tài sản riêng. Đồng thời cũng được tăng lợi nhuận về kinh tế và nhiều lợi ích khác khi tham gia HTX kiểu mới.
Theo ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông: Toàn tỉnh có tới 80% số hộ là nông dân. Vì thế, tập hợp nông dân tham gia HTX để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển theo chuỗi giá trị và bền vững là điều cần thiết. HTX nông nghiệp muốn phát triển phải hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới như hiện nay mới tồn tại được. Hiện nay, đang có khá nhiều HTX phát triển theo mô hình kiểu mới khá hiệu quả. Nổi bật như: HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên; HTX Công Bằng Thuận An; HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà; HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận; HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông...
Còn theo chia sẻ của ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết, nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì cần tập hợp nông dân vào HTX. Các HTX nông nghiệp kiểu mới sẽ tạo ra nhiều lợi thế trong sản xuất. Nông nghiệp muốn phát triển bền vững cần tập hợp nông dân vào HTX. HTX nông nghiệp có lợi thế trong việc tập hợp nông dân liên kết sản xuất theo các tiêu chí quy trình kỹ thuật như VietGap, GloballGap, hữu cơ… thuận lợi hơn. Khi sản xuất nông sản chất lượng thì các HTX sẽ đầu tư hướng đến chế biến, chế biến sâu, từ đó nâng cao đời sống nông dân và thúc đẩy phát triển HTX, nông nghiệp, nông thôn.
Nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển, mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm của các HTX nông nghiệp đạt 12%/năm, THT nông nghiệp đạt 22,78%/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp tăng bình quân 14,71%/năm. Đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp đạt loại khá, tốt đạt trên 50%; không còn HTX nông nghiệp yếu kém. Phấn đấu đến năm 2025, có trên 60% HTX nông nghiệp có hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó có trên 25% HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.