Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật HTX sửa đổi, theo đó xung quanh những quy định của Luật nhận được ý kiến phân tích, nhìn nhận nhiều chiều của các đại biểu Quốc hội và sự chú ý theo dõi của các HTX, doanh nghiệp, nông dân...
Còn nhiều bất cập trong cơ chế chính sách
Kể từ năm 2012, khi Luật HTX được ban hành tới nay, kinh tế tập thể Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, số lượng Liên hiệp HTX tiếp tục tăng, có nhiều mô hình mới hoạt động có quy mô và hiệu quả hơn trước rõ rệt. Đến 31/12/2022, ước cả nước có 29.021 HTX. Các HTX thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn; tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/HTX, tăng 8,7% so với năm 2021.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, nhiều HTX , liên hiệp HTX thực hiện chuyển đổi số, nhờ đó đã làm thay đổi so với phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Dù khu vực kinh tế tập thể, HTX đã phát triển mạnh mẽ, nhưng hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Định kiến về HTX trong tầng lớp lãnh đạo về một mô hình làm ăn kém hiệu quả vẫn còn nặng nề, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng...;Để xảy ra tình trạng đó là từ các cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, nhiều rào cản, chưa tạo điều kiện cho mô hình này phát triển, cùng với đó còn do nhiều HTX chưa biết tự mình vươn lên, học hỏi để phát triển.
Cụ thể như, quy định về đăng ký thành lập HTX, liên hiệp HTX tại Điều 23 Luật HTX năm 2012 phức tạp, mất nhiều thời gian, như: yêu cầu về phương án sản xuất kinh doanh của HTX, liên hiệp HTX là không cần thiết, thậm chí can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh HTX, liên hiệp HTX…
Nhiều quy định của Luật HTX năm 2012 còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác dẫn đến nhiều quy định còn chưa được thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện. Nhiều quy định của Luật HTX năm 2012 gây khó khăn, trở ngại, vướng mắc cho HTX, liên hiệp HTX...
Tìm hiểu từ thực tế, bà Lê Thị Thu Hương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bà đề nghị, Đảng và Nhà nước, các cấp sớm có quyết định để các HTX nằm trong đề án 15.000 HTX hoạt động có hiệu quả, được hưởng chế độ hỗ trợ kịp thời, phù hợp trong thời gian tới. Tạo điều kiện cho các HTX có đất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến cũng như vay vốn ưu đãi…
“Cần có chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông dân, nông thôn để nông dân tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ, nhất là chính sách đào tạo cán bộ và đưa cán bộ trẻ về HTX” bà Hương đề xuất.
Tại Hội nghị Tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể - HTX trong giai đoạn mới, vừa diễn ra, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX, là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. “Tới đây, việc phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2045 phải phù hợp với đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khắc phục các “điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển trong bối cảnh và điều kiện mới”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 11/11 về dự thảo Luật HTX sửa đổi, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Hầu hết các đại biểu tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, đây là cách tiếp cận phù hợp, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế này, với nội hàm về mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Xung quanh việc đổi tên Luật HTX thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, một số đại biểu cho rằng việc đổi tên sẽ tạo sự khác biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các hình thái tổ chức này và các tổ chức kinh tế hợp tác, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần hợp tác giữa các thành viên với nhau, mặc dù tên gọi HTX đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.
Một số ý kiến khác đề nghị giữ nguyên tên gọi là dự án Luật HTX (sửa đổi). Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) đề nghị, nên giữ nguyên tên “Luật HTX” như hiện nay. Việc lấy HTX làm trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác vẫn bảo đảm bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình HTX.
Mặt khác, khái niệm “kinh tế hợp tác” là phạm trù rất rộng mà không phải chỉ có trong tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và liên đoàn HTX, mà có trong cả các doanh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp hợp tác với HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân... đều là kinh tế hợp tác.
“Bây giờ đang có xu hướng hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, lấy khái niệm này để “gói” vào hai hình thức HTX và tổ hợp tác là không phù hợp. Về bản chất, hình thức liên hiệp HTX và liên đoàn HTX chính là HTX được mở rộng về quy mô và địa bàn”, đại biểu Định nhận định.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã bám sát 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết của Trung ương Đảng. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (từ điều 16 đến Điều 21) còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến tính đặc thù cho các HTX nông nghiệp, nhất là ở vùng DTTS và miền núi.
Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (Bắc Giang) kiến nghị: Hiện nay, nước ta có trên 70% các HTX ta là HTX nông nghiệp, nhưng dự thảo luật chưa đề cập về quy định tính đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy cần xem xét bổ sung quy định cho HTX nông nghiệp, hoặc Luật giao Chính phủ bổ sung quy định cơ chế đặc thù về lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác cần tiếp tục rà soát nội dung chính sách cụ thể hoá trong Luật, đối chiếu các dự thảo của Luật này với các văn bản Luật khác như Bộ Luật dân sự, Luật doanh nghiệp….để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
"Cần có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế, phí, lệ phí để thu hút các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh để thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi” bà Lịch đề xuất.
Kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh, bền vững, là phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh quan trọng, đóng vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân. Do đó cần hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể cần phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển trong giai đoạn mới.