Nhiều tiềm năng nhưng cũng lắm vấn đề
Trong thập kỷ qua, các tòa báo và công ty truyền thông đã áp dụng ngày càng nhiều quy trình tự động hóa cho công việc làm báo và đưa tin thường ngày, như tìm kiếm các quy luật trong số liệu kinh tế hoặc báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty.
Các hãng truyền thông có ấn bản trực tuyến đã bị ám ảnh với việc "tối ưu hóa công cụ tìm kiếm" - chỉ việc sử dụng các từ khóa trong dòng tiêu đề được các thuật toán của Google hoặc Facebook ưa thích, từ đó đảm bảo nội dung của họ thu hút được nhiều người xem nhất có thể.
Một số thậm chí đã phát triển các thuật toán của riêng mình để xem câu chuyện nào phù hợp nhất với độc giả của họ, cho phép những công ty này nhắm mục tiêu nội dung và quảng cáo tốt hơn. Đây chính là những công cụ đã biến Google và Facebook thành những “gã khổng lồ” toàn cầu.
Không dừng lại tại đó, các tòa báo và công ty truyền thông cũng áp dụng những công nghệ mới giúp tạo thuận tiện cho nhà báo trong hoạt động tác nghiệp. Các mô hình ngôn ngữ như GPT-4 hứa hẹn giúp phóng viên tự động hóa một phần nhiệm vụ viết bài, trong khi các mô hình tổng hợp hình ảnh như DALL-E 2 và Stable Diffusion có thể cung cấp ảnh minh họa cho các tòa soạn không đủ khả năng đăng ký dịch vụ mua ảnh. Ngoài ra, các mô hình nhận dạng giọng nói tự động mới nhất sẽ cho phép các phóng viên ghi lại một cách dễ dàng và chính xác các cuộc phỏng vấn của họ.
Với những công cụ này, nhà báo có thể nhập một số điểm chính và AI có thể tạo ra một bài báo hoàn chỉnh với đầy đủ phần chữ và phần hình, giúp họ tiết kiệm khá nhiều thời gian.
Tuy nhiên, điều này đặt ra những câu hỏi đạo đức xung quanh quyền tác giả và đạo nhái. Nếu một nhà báo phụ thuộc quá nhiều vào AI để viết câu chuyện của họ, thì ai có thể được coi là tác giả của những nội dung đó? Ngoài ra, có khả năng AI vô tình đạo văn từ nhiều nguồn khác nhau, đặt ra câu hỏi về tính toàn vẹn và chính xác của báo chí.
Về phần những mô hình tổng hợp hình ảnh, chúng có khả dấy lên những tranh luận về việc chỉnh sửa hình ảnh, minh họa ảnh và hình ảnh lưu trữ dễ gây hiểu lầm.
Những tác động đầu tiên
Bất chấp những câu hỏi chưa được giải đáp liên quan tới ứng dụng công cụ AI trong báo chí, trang web tin tức công nghệ CNET đã là người tiên phong trong hoạt động này, khi họ lặng lẽ triển khai một chương trình AI phụ trách viết một số bài báo đơn giản theo dạng liệt kê vào năm ngoái. Sau đó, trang web này buộc phải tiến hành một số sửa chữa khi một trang tin tức khác nhận thấy bài báo do AI của họ viết đã phạm nhiều lỗi, một số thậm chí khá nghiêm trọng.
Dù vậy, công ty mẹ của CNET sau đó đã ra thông báo cắt giảm việc làm, bao gồm cả vị trí biên tập, hiệu đính. Các quản lý cấp điều hành đều phủ nhận việc tích hợp AI là lý do cho quyết định này.
“Đại gia” ngành xuất bản Đức Axel Springer, chủ sở hữu tờ báo chính trị Politico tại Mỹ, tờ tin nhanh Bild của Đức cùng nhiều tờ báo khác, lại tỏ ra thẳng thắn hơn về việc sử dụng AI trong hoạt động tác nghiệp báo chí.
Ông chủ của Axel Springer - Mathias Doepfner hồi tháng trước đã nói với nhân viên rằng: “AI có tiềm năng giúp báo chí độc lập trở nên tốt hơn bao giờ hết - thậm chí sẽ thay thế hoạt động báo chí”.
Ca ngợi các chatbot như ChatGPT là một "cuộc cách mạng" cho ngành báo chí, ông đồng thời thông báo về một cuộc tái cấu trúc bao gồm kế hoạch cắt giảm nhân sự đáng kể trong cả hoạt động sản xuất và hiệu đính tin tức.
Công cụ quan trọng hay kẻ thay thế?
Ông Alex Connock, tác giả cuốn "Quản lý phương tiện truyền thông và trí tuệ nhân tạo" (Media Management & Artificial Intelligence) nói rằng việc thành thạo các công cụ AI sẽ giúp quyết định công ty truyền thông nào tồn tại và công ty nào thất bại trong những năm tới.
Theo ông, việc sử dụng các công cụ AI tạo nội dung sẽ khiến một số người mất việc, nhưng không phải trong lĩnh vực báo cáo phân tích hoặc cao cấp. Ông Connock cho hay trong các mảng báo chí đưa tin mang tính máy móc hơn, như báo cáo thể thao, kết quả tài chính, ông thực sự nghĩ rằng các công cụ AI đang dần thay thế và có khả năng đảm nhiệm hoạt động đưa tin của con người.
Song không nhà phân tích nào cũng đồng ý với quan điểm đó.
Chuyên gia Mike Wooldridge của Đại học Oxford cho rằng ChatGPT giống như một "trình xử lý văn bản được ca ngợi thái quá" và các nhà báo không nên quá lo lắng. Theo ông, quan điểm cho rằng công nghệ này có thể thay thế các nhà báo giống như nhận định máy tính có thể thay thế các nhà toán học - đơn giản là điều đó không thể xảy ra.
Tuy nhiên, ông cũng gợi ý rằng những công việc mang tính lặp lại có thể được AI đảm nhiệm thay thế con người. Điều này khiến ông có cùng quan điểm với chuyên gia Connock.
Tháng trước, hai nhà báo người Pháp Jean Rognetta và Maurice de Rambuteau đã trình bày một báo cáo dài 250 trang được viết bởi AI trong một thử nghiệm nhằm tìm hiểu sâu hơn về việc AI có thể thay thế các nhà báo con người đến mức nào. Nhà báo Rognetta cho biết họ muốn "thử thách AI và đẩy chúng đến giới hạn". Và họ đã nhanh chóng tìm thấy giới hạn này.
Bản báo cáo được đưa ra mô tả chi tiết các xu hướng chính của Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2023 ở Las Vegas. Song trong quá trình, AI đã rất vất vả để xác định các xu hướng chính tại CES 2023 và không thể tạo ra một bài báo có chất lượng tương đương sản phẩm của một tòa báo. Các tác giả nhận thấy rằng họ cần phải can thiệp liên tục để giữ cho quá trình sáng tạo nội dung của AI đi đúng hướng.
Nhà báo Rognetta nói rằng báo chí truyền thống đang bị thách thức bởi những khả năng tuyệt vời của công nghệ hiện đại. Nhưng ông không tin vào việc AI có thể thay thế nhà báo con người. Ông nhấn mạnh tự thân AI không có khả năng sản xuất các bài báo, và hoạt động báo chí có những phần không thể để AI đảm nhận.