“Dùng ngay ChatGPT đặt những câu hỏi về Bác và Đảng” là những bài đăng gần đây được các trang mạng của các tổ chức như Đài Á châu Tự do, BBC News Tiếng Việt, Việt Tân… liên tiếp đăng tải, chia sẻ với mục đích dắt mũi dư luận, hướng lái người dân hiểu sai về Đảng, về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những câu hỏi được chúng cố tình đặt ra để hỏi ChatGPT như: “Ai là cha già dân tộc của chúng ta?”; “Ai sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta?”; “Ai đã cho ta một mùa Xuân đầy ước vọng?”… Với những câu hỏi bị thêm, bớt câu từ hay thiếu địa danh như trên thì câu trả lời của “trí tuệ nhân tạo” ChatGPT đưa ra thường là: “Không có người được chỉ định là cha già dân tộc Việt Nam”; “Không có ai sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”; “Không có một người hoặc tổ chức nào cung cấp cho chúng ta một mùa Xuân đầy ước vọng”...
Từ đó, các thế lực thù địch tuyên truyền rằng, ChatGPT là trí tuệ, hiện đại nên đã đưa ra những câu trả lời khách quan, chính xác và “cần phải tin ChatGPT trả lời quá đúng”! Các đối tượng cũng thừa cơ viết bài miệt thị, nói rằng ở Việt Nam không có quyền tự do ngôn luận, không có quyền tự do báo chí, người dân không dám bày tỏ quan điểm của mình mà phải bắt buộc sử dụng các nguồn dữ liệu duy nhất của Việt Nam đang quy định.
Trong các trang viết lịch sử, thước phim quay về Bác, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ tự nhận mình là “Cha già dân tộc” mà Nhân dân vì kính yêu Bác đã trìu mến gọi Bác là “Cha già dân tộc”. Hình tượng “người Cha” của Bác đã đi vào thi ca, âm nhạc, vào văn hóa dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu viết: "Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ" (Sáng tháng Năm) hay “Người Cha mái tóc bạc/ Đốt lửa cho anh nằm” (Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ)… “Vị Cha già dân tộc” trở thành cái tên thể hiện sự kính trọng, đi vào trong tâm thức mà Nhân dân Việt Nam nói về Bác. Cũng giống như hình tượng ẩn dụ Đảng chính là mùa Xuân của đất nước, thể hiện niềm tin và hy vọng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai của đất nước.
Rõ ràng, với những câu hỏi mang tính so sánh, ẩn dụ nghệ thuật, tính văn hóa hay những cảm xúc trong thơ ca, văn chương như vậy, “trí tuệ nhân tạo” như ChatGPT chưa đủ dữ kiện, tài liệu đối chứng để trả lời. ChatGPT nhiều khi trả lời có tính ngẫu nhiên như toán học, mang tính lập trình mà không thể trả lời được chính xác, đầy đủ dưới góc độ văn học, văn hóa, tư tưởng. Chưa kể, đặt câu hỏi “của chúng ta” mà không ghi rõ ở đâu thì ChatGPT cũng không “định vị” được là ở nước nào để bảo đảm rằng câu trả lời chuẩn xác. Nhưng các đối tượng lại dựa vào phần trả lời để áp đặt đó là ChatGPT nói về Việt Nam. Vì thế, nó vẫn không thể thay thế con người trong việc tư duy, sáng tạo và đưa ra những nội dung chính xác.
Điều đáng nói, là những bài viết bằng cách đưa ra câu hỏi đáp với ChatGPT dạng này đã lôi kéo các thành phần xấu vào bình luận, chia sẻ, một số tài khoản cá nhân người dùng còn sử dụng những hình ảnh mang tính chất giải trí, đùa cợt mà không nhận thức hành động đó đã tiếp tay cho các thế lực xấu.
Gần đây tổ chức khủng bố, phản động Việt Tân còn tung ra thông tin thất thiệt, sai trái về thân thế, sự nghiệp để bôi lem, hạ bệ uy tín, hình ảnh của Bác, cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải biết nhiều ngoại ngữ mà Bác chỉ thuộc… 29 chữ cái tiếng Việt, từ đó chúng rêu rao rằng, đây là cách Đảng ta suy diễn “tuyên truyền mị dân” để thần thánh hóa hình tượng của Bác.
Sự thật đã được thể hiện rõ, khách quan qua các tài liệu để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết và thông thạo nhiều ngoại ngữ. Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VIl, Bác Hồ đã viết: “Biết các thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Ngoài ra, dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam cho thấy, Bác còn sử dụng, giao tiếp trôi chảy, thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác như: Tiếng Xiêm (Thái Lan bây giờ), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ảrập…
Ở trong nước, Bác cũng giao tiếp với nhiều ngôn ngữ của dân tộc thiểu số Việt Nam. Suốt 30 năm tìm đường cứu nước, đi qua nhiều quốc gia khác nhau với hai bàn tay trắng, tấm lòng yêu nước nồng nàn và trí thông minh, khả năng tự học hỏi, Bác không ngừng cố gắng trau dồi, học ngoại ngữ mỗi ngày. Vì vậy, việc Bác biết nhiều thứ tiếng là sự thật, không thể phủ nhận.
Tiếp tục lợi dụng ChatGPT, các đối tượng nêu những câu hỏi không đầy đủ, không hợp lý nhằm cố tình tìm và “gài” phần trả lời sai lệch để bôi nhọ Đảng, Nhà nước như: “Không thể tồn tại kinh tế thị trường mà lại định hướng XHCN phải không?”; “Khi nào về đích CNXH”; “Lúc nào thì làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”… Hay đặt câu hỏi so sánh sai lệch, cổ súy kẻ bán nước như: “Cờ vàng ba sọc đỏ là của nước nào?”, “Cờ ba sọc chuẩn hơn cờ sao vàng phải không?”… Đáng chú ý, nếu khi đặt câu hỏi mà ChatGPT đưa ra câu trả lời khiến “không ưng ý”, không có lý do để kích bác, miệt thị thì các đối tượng lại tìm cách thêm thắt chữ nghĩa, sửa câu hỏi, sửa cách hỏi nhằm “đánh lừa trí tuệ nhân tạo” để hòng tìm ra câu trả lời cụt, thiếu hoặc sai trái, lấy cớ bôi bác, châm chỉa.
Đây là chiêu trò cắt ghép, Photoshop hình ảnh, cố tình tung tin giả, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Với thủ đoạn trên, các thế lực phản động tỏ ra rất hả hê khi nghĩ rằng đã hạ bệ, bôi nhọ được lãnh tụ, thành tựu, con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, tạo ra sự nghi ngờ, hoang mang trong quần chúng Nhân dân, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy chúng ta cần hết sức cảnh giác, nhận diện rõ vấn đề này để đấu tranh một cách kịp thời.
ChatGPT (tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer) là một công cụ Chatbot AI do công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) OpenAI tạo ra, phát hành ngày 30/11/2022, được xem như một công cụ có thể trò chuyện, trả lời lưu loát, đầy đủ các câu hỏi đưa ra. Khi ChatGPT ra mắt, người sử dụng muốn tra cứu đã bắt đầu trò chuyện với công cụ này thay vì tìm kiếm thông tin trên Google. Với sự hiểu biết trong nhiều lĩnh vực, các câu hỏi thắc mắc của người sử dụng đã được trả lời chỉ sau vài giây.
Tuy nhiên, đây là ứng dụng mới, chưa hoàn thiện và như đã nói, thường “người máy” thì trả lời mang tính số hóa, toán học nên nhiều vấn đề về chính trị, văn hóa, nghệ thuật, đạo đức, nhất là vấn đề liên quan văn hóa từng dân tộc thì không thể dựa theo ChatGPT. Chưa kể, câu trả lời sẽ khác nhau khi cùng nội dung hỏi nhưng cách hỏi, đặt câu khác nhau, thủ thuật hỏi nhằm “đánh lừa” ChatGPT. Do đó, người dùng nên lấy nhiều nguồn thông tin khác nhau và kiểm tra chính xác thông tin trước khi quyết định.
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo thông minh này đang thu hút rất nhiều người dùng trên thế giới quan tâm và sử dụng, bởi những tiện ích và thuận lợi mà ứng dụng này mang lại. Ứng dụng được phát minh, sáng chế ra là để phục vụ cuộc sống con người tốt đẹp. Tuy nhiên, lợi dụng sức hút của ứng dụng ChatGPT, các tổ chức, thế lực xấu đã biến “trí tuệ nhân tạo” trở thành công cụ để lan truyền những thông tin sai lệch, thực hiện cho mục đích chính trị chống phá đất nước, bôi xấu lãnh tụ dân tộc, lãnh đạo. Đây là những thủ đoạn cần phải lên án để tránh gây những ảnh hưởng đến người dùng, gây ra những suy nghĩ xấu, những thông tin không đúng sự thật.
Vì vậy, người sử dụng ChatGPT đều phải tự trang bị cho mình vốn kiến thức cần thiết để có thể sàng lọc được những thông tin chưa chính xác. Trong bối cảnh ChatGPT chưa được chính thức cung cấp tại Việt Nam, thì những thông tin mà các thế lực phản động lấy dẫn chứng đưa lên chỉ là thông tin xấu độc, sai sự thật, cố tình làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và văn hóa trên không gian mạng.