Vượt lên nghèo đói
Với 40 thành phần DTTS cùng sinh sống hòa đồng, Bình Phước có sự đa dạng đặc biệt về văn hóa và sự độc đáo trong phong tục, tập quán của đồng bào. Trong mỗi giai đoạn phát triển của tỉnh, chính sách dân tộc luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển. Trên cơ sở quan điểm chung của Đảng ta về công tác dân tộc, Bình Phước cũng luôn quán triệt nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Điểu Lên, 78 tuổi, ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng nhớ lại: “Tôi sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này cho nên bao nhiêu cái khổ, cái khó của đồng bào Xtiêng, tôi đều trải qua. Khi Bình Phước được tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ (1997), đồng bào sống ở đây vẫn còn khổ lắm, nghèo lắm, chủ yếu sống dựa vào thiên nhiên, phát nương, làm rẫy rồi vào rừng săn con thú, kiếm cây măng để sống hằng ngày. Bây giờ cuộc sống của đồng bào ở đây đã khá hơn nhiều. Đặc biệt, kể từ khi Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Xtiêng sóc Bom Bo được xây dựng, đồng bào không chỉ tự hào về truyền thống đi theo cách mạng mà còn có thể kiếm tiền từ những hoạt động du lịch ở đây”.
Đúng như lời ông Điểu Lên, nếu ai đã từng đến những vùng đồng bào DTTS ở Bình Phước từ những năm đầu tái lập tỉnh và có dịp trở lại vào thời điểm này mới cảm nhận hết được sự đổi thay. Các vùng đồng bào DTTS ở Bình Phước hôm nay đã lột bỏ hoàn toàn lớp áo cũ của sự nghèo đói, lạc hậu để khoác lên mình diện mạo mới.
Không ngừng phát triển
Quan điểm về chính sách dân tộc ở Bình Phước trong suốt những năm qua cho thấy sự nhất quán và xuyên suốt về bình đẳng. Bình đẳng giữa các dân tộc là quyền ngang nhau của các dân tộc, không phân biệt dân tộc đó là đa số hay thiểu số, trình độ văn hóa, dân trí cao hay thấp, là bình đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và được bảo đảm bằng pháp luật. Bình đẳng giữa các dân tộc ở Bình Phước thể hiện trước hết ở sự bảo đảm và tạo mọi điều kiện để các dân tộc có cơ hội phát triển ngang nhau. Đây vừa là cơ sở để bảo đảm công bằng xã hội giữa các dân tộc, vừa tạo động lực cho bản thân mỗi người phát triển.
Anh La Văn Sanh, ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú là một trong những người đi tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình. Năm 1988, anh rời vùng đất Cao Bằng vào Bình Phước lập nghiệp với muôn vàn khó khăn, nhưng chính sự cần cù, chịu khó và tư duy nhạy bén giờ đây anh đã thành đạt khi sở hữu khối tài sản hàng trăm tỷ đồng. Ngoài sở hữu gần 30 ha vườn cây cao su, điều, hồ tiêu đang cho thu hoạch, anh còn thành lập cơ sở thu mua mủ cao su, xưởng chế biến gỗ, văn phòng giao dịch bất động sản… Con của anh tất cả đều được học hành tử tế, có công việc ổn định, có nhà lầu, xe hơi và cuộc sống sung túc.
Anh Sanh cho biết: “Hơn 30 năm có mặt tại mảnh đất Bình Phước, đến giờ nghĩ lại tôi thấy quyết định của mình là sáng suốt. Lúc mới vào vất vả lắm, vẫn phát nương, làm rẫy sống du canh, du cư. Từ năm 1997, tôi về định cư tại Tân Hòa cuộc sống cũng ổn định hơn. Có đà kinh tế cứ thế mình mở rộng, phát triển. Sắp tới, tôi dự định mở thêm một số công ty vừa để thử sức mình vừa tạo việc làm cho bà con”.
Thành công trong cuộc sống, anh Sanh không quên nghĩa vụ đóng góp, xây dựng Bình Phước. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động với mức thu nhập ổn định trên 8 triệu đồng/người/tháng, mà hằng năm anh còn đóng góp hàng trăm triệu đồng để cùng địa phương chăm lo người nghèo. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, làm đường nông thôn, anh Sanh đã tự nguyện hiến hơn 1 ha đất mặt tiền giá trị hơn 10 tỷ đồng.
Anh Điểu Xoan, dân tộc Xtiêng, ở thôn 5, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng cũng là một trong những nông hộ thành công phát triển kinh tế gia đình nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Đầu năm 2018, anh vay mượn và đầu tư 400 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 4.000 con gà về nuôi. Ban đầu việc chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc loại gia cầm này nên anh phải đi khắp nơi học hỏi, rồi nhờ đến các tổ chức đoàn, hội ở địa phương tư vấn. Khi mô hình phát triển ổn định, anh đã mở rộng quy mô, đến nay trung bình 1 năm gia đình anh bán khoảng 16.000 con, trọng lượng dao động 28 - 30 tấn gà. Nhờ số lượng đàn lớn, tỷ lệ gà hư hao thấp, bình quân mỗi năm anh lời 200 triệu đồng.
Một lòng theo Đảng hướng tới tương lai
Trong quan điểm của tỉnh từ trước đến nay, vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng. Đây cũng là quan điểm của Đảng ta. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Tại Bình Phước, chính sách dân tộc được quan tâm đặc biệt.
Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Bình Phước có đến 40 DTTS, bằng 19,67% dân số của tỉnh. Sự đa dạng này cũng tạo ra những thách thức lớn trong thực hiện chính sách dân tộc, để bảo đảm tất cả các dân tộc đều phát triển. Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn lực của Trung ương và địa phương, Bình Phước đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Sự đầu tư này đến nay đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từng bước làm thay đổi không chỉ diện mạo của những vùng đồng bào DTTS mà còn làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn lực cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS mà trước mắt là kế hoạch giảm 1.000 hộ DTTS nghèo năm 2022”.
Sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, hiệu quả của các chính sách dân tộc đã tác động trực tiếp đến suy nghĩ, tư duy và lòng tin của đồng bào DTTS ở tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng và các chính sách của địa phương.
Để thúc đẩy sự phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, hiện nay tỉnh Bình Phước cũng đang khẩn trương hoàn thiện “Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”./.