Người có uy tín trong đồng bào DTTS được đồng bào đặt niềm tin thay mặt cộng đồng bày tỏ kiến nghị đến chính quyền địa phương các cấp.
“Thư ký” và “tư vấn viên” của đồng bào
Theo già làng dân tộc Chơ Ro xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) Thổ Nơi, làng Chơ Ro có 200 hộ dân, hiện hầu hết các gia đình đều có trẻ em đi học. Tuy nhiên, những người lớn tuổi hay trung niên thì ít chữ, nên mỗi khi cần biên thư, viết đơn hay đọc một văn bản thông báo là bà con luống cuống. Mỗi lần như vậy, nhà ông lại trở thành nơi mọi người tìm đến nhờ cậy.
Rồi tâm lý của đồng bào là ngại hỏi, ngại tiếp xúc với cơ quan chức năng, nên mỗi khi có việc cần lại cậy nhờ ông hỗ trợ. “Mỗi lần như vậy, mình không được phép từ chối mà hiểu biết ra sao thì cố gắng giúp. Điều gì không hiểu, mình tìm người nắm rõ hơn để hỏi thăm giúp cho bà con”, ông Thổ Nơi kể.
Bà Thổ Thị Xuân cho hay, khi chồng qua đời, già làng Thổ Nơi đã giúp gia đình làm giấy báo tử, cáo phó, lễ nghi trong ma chay. Rồi khi 3 người con đang đi học cần xin giấy xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Thổ Nơi cũng biên giúp, hướng dẫn cho gia đình xin xác nhận.
Còn bà Lầu Tài Múi, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở xã Phú Bình (huyện Tân Phú) cho biết, đồng bào Hoa tại xã Phú Bình có 463 hộ. Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp và đảm nhận luôn vai trò Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS nên hầu như mọi việc trong cộng đồng bà con đều nhờ đến bà.
Tuy nhiều việc và hoàn cảnh gia đình đơn lẻ khi chồng bà mắc bệnh nặng phải nằm một chỗ cần có người chăm sóc nhiều năm qua, song khi bà con tìm đến là bà gác lại việc nhà để giúp mọi người.
“Bà con có việc không giải quyết được hoặc không biết làm như vậy có đúng hay không nên mới nhờ đến mình. Nếu mình từ chối, bà con lại phải tự mày mò hoặc nhờ người khác chỉ giúp thì không hết ý, có khi lại gây ra những chuyện hiểu lầm không đáng có. Do vậy, trong khả năng của mình, tôi cố gắng hỗ trợ bà con”, bà Múi chia sẻ.
Vậy nên, khi địa phương triển khai các hoạt động làm đường giao thông, đèn điện chiếu sáng đường đi, trồng cây tạo cảnh quan, bà Lầu Tài Múi lại đóng vai trò là người tư vấn, diễn giải mục đích ý nghĩa, cái được và mất của từng gia đình khi tham gia công việc chung. Qua đó, hàng ngàn m2 đất đã được đồng bào hiến để mở rộng đường, làm cống thoát nước. Bà con cũng tự nguyện ra quân dọn đẹp vệ sinh môi trường hàng tháng.
Cùng đồng bào dời nhà, nhường đất cho dự án
Đặc biệt, thông qua phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Điều này được thể hiện qua việc những năm gần đây trên địa bàn tỉnh liên tục triển khai các dự án giao thông trọng điểm có thu hồi diện tích đất lớn. Trong số này, có nhiều khu vực sinh sống, sản xuất nông nghiệp của người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng.
Ông Trần Kiếm Hoa - Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) cho hay, gia đình ông cùng 9 hộ dân tộc Hoa khác có đất bị thu hồi trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chủ trương của Nhà nước thì bà con chấp hành. Nhưng để bà con thuận tình đồng ý, ngoài mệnh lệnh hành chính thì còn phải vận động, thuyết phục thấu tình đạt lý. Bởi đồng bào Hoa nói riêng và có lẽ cả những dân tộc khác, không ai muốn rời xa mảnh đất mà nhiều thế hệ trong gia đình đã cùng gắn bó, rời xa bà con lối xóm để đến một nơi ở mới xa lạ.
Trong quá trình vận động đó, người dân rất quan tâm về các mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo nghề, chỗ ở mới có xa trường học của con cháu, có xa nơi làm việc hay không…
“Từ đó, mình tìm hiểu thông tin để trả lời cho bà con. Thông qua các cuộc lấy ý kiến, tiếp xúc với cơ quan chức năng, mình thay mặt bà con truyền đạt với cấp có thẩm quyền, sau đó phải thông báo kết quả lại thì bà con mới yên lòng”, ông Kiếm Hoa nói.
Để làm gương trước cho cộng đồng, ông Kiếm Hoa là một trong những hộ dân đầu tiên hoàn thành bàn giao 1,1 ha/1,5 ha đất sản xuất của gia đình cho dự án. Từ đó, cả 10 hộ đồng bào dân tộc Hoa có đất bị thu hồi trong dự án ở xã Bình Sơn đều nhanh chóng hoàn thành quyền và nghĩa vụ liên quan của mình.
Còn tại phường Bảo Vinh (Tp. Long Khánh), thông qua vận động của Người có uy tín trong đồng bào DTTS, đồng bào còn chủ động phá hàng rào, di chuyển công trình phụ để nhường đất mở những tuyến đường trong khu dân cư.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bảo Vinh Nguyễn Thị Sao cho biết, năm 2021, Nhà nước thực hiện mở rộng đường số 5 thuộc khu phố Ruộng Lớn. Có một thực tế là bà con thích và tự tin hơn khi trao đổi với người đại diện của cộng đồng. Vậy nên khi nhận được sự tiếp sức của ông Mai Văn Lượng - Người có uy tín trong đồng bào Chơ Ro bà con đồng thuận nhổ cọc hàng rào, di dời cây trồng để giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công làm đường.
Theo ông Mai Văn Lượng, vị trí con đường chạy qua là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Chơ Ro. Diện tích đất của bà con không có nhiều, nên khi 15 hộ dân tộc Chơ Ro sống hai bên đường phải lùi vào sâu khoảng 10m để nhường đất cho con đường mới là bà con lo lắng không yên. Nhưng khi cùng bà con bàn luận về điều tích cực mà con đường mới đem lại như: Đường đi rộng rãi, có thảm nhựa, hai bên có vỉa hè được lát đá, khác hẳn so với hình hài con đường cũ trong xóm thì mọi người mong con đường nhanh hoàn thành.
Thể hiện sự đồng thuận của đồng bào với chủ trương của chính quyền, gia đình ông Lượng là hộ đầu tiên tháo dỡ hàng rào, đập bỏ phần hiên nhà để lùi vào, nhường đất cho công trình. Khi bà con thấy vậy, mọi người cùng làm theo.
Còn theo bà Nguyễn Thị Sao, trong quá trình thực hiện con đường, ông Mai Văn Lượng không may bị tai biến. Vậy nhưng, khi được bác sĩ cho về điều trị tại nhà, thông qua người thân cùng một thanh niên trong cộng đồng, ông vẫn tiếp chuyện, trợ giúp người dân khi bà con cần. Hiện nay, dù dáng đi bị lệch và giọng nói đôi lúc chưa rõ ràng, nhưng khi gia đình nào trong số 200 hộ Chơ Ro cần trợ giúp là ông luôn có mặt bằng cách nhờ người thân chở đến nơi.