“Xóa đói” thông tin – trợ lực để thoát nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu giảm nghèo thông tin cho người dân, thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Yên Sơn đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thông tin, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, hạ tầng truyền thanh thông minh, đẩy mạnh công tác tuyền truyền, để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống kịp thời, đầy đủ. Qua đó, giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách và học hỏi các những mô hình hay, cách làm tốt, từ đó, nâng cao nhận thức và quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Bà Đặng Thị Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Truyền thông và Thể thao huyện Yên Sơn, cho biết: Huyện Yên Sơn hiện có 28/28 xã, thị trấn có hệ thống truyền thanh. Hệ thống này về cơ bản đã cung cấp kịp thời thông tin, kiến thức thiết yếu tới người dân, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp, cần thông tin nhanh, như: Bão lũ, thiên tai, phòng chống dịch bệnh...
Các đài truyền thanh ở cơ sở đã thực hiện tốt việc tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đài tỉnh, đài huyện theo các khung giờ quy định. Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, huyện huyện Yên Sơn đã đầu tư chuyển đổi 20 đài truyền thanh cơ sở xã sang ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông. Đây là hệ thống thiết bị thông minh, cho chất lượng âm thanh tốt, vươn tới cả những thôn bản vùng sâu, vùng xa, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin phục vụ cuộc sống
Trước kia, ông Triệu Trung Kiên, dân tộc Dao (ở thôn 1, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) rất khó tiếp cận với các thông tin đăng tải trên các phương tiện đại chúng. Nhưng kể từ khi hệ thống loa phát thanh của xã được đầu tư, xây dựng, gia đình bà đã có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Những thông tin về dịch bệnh, thời tiết thất thường, cảnh báo về biến đổi khí hậu, cải cách thủ tục hành chính trên loa phát thanh của xã đã được bà nghe hằng ngày.
Vừa làm việc nhà, ông Kiên vừa có thể nghe thông tin. Không chỉ thông tin từ địa phương, mà các thông tin từ Trung ương tới tỉnh Tuyên Quang đều ông Kiên cập nhật.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông của địa phương này đã đáp ứng tốt nhu cầu thông tin cho người dân. Mỗi ngày, Đài truyền thanh xã Đạo Viện phát sóng vào các khung giờ cố định (từ 5h30 – 7h30 sáng và từ 17h đến 19h tối), để phục vụ người dân trên địa bàn.
Ông Trần Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn, cho biết: Trước đây, việc tuyên truyền chủ yếu thông qua các hội nghị, buổi sinh hoạt hoặc tuyên truyền lưu động nên tần suất và hiệu quả chưa cao. Từ khi có Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, mọi việc trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều. Đài truyền thanh đi vào hoạt động góp phần đưa đến những chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân trên địa bàn.
Cùng với được đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn, năm 2023, Trung tâm Văn hoá Truyền thông và Thể thao huyện Yên Sơn đã tổ chức 15 lớp tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức văn hóa xã, cán bộ thông tin ở các thôn bản những người trực tiếp vận hành các cụm loa, sản xuất, tiếp sóng các chương trình truyền thanh. Nhưng hơn hết, đội ngũ này cũng không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc được giao, góp phần đưa thông tin kịp thời đến với người dân.
Anh Bùi Duy Cương, công chức văn hóa - xã hội xã Phú Thịnh (huyện Yên Sơn) cho biết: Xã Phú Thịnh hiện có 6/6 thôn có hệ thống loa truyền thanh tiếp sóng thông qua mạng 4G, tỷ lệ phủ sóng đến cụm thôn đạt 100%. Năm 2024, Đài Truyền thanh xã đã phát sóng 89 bản tin, 122 thông báo. Đặc biệt những thông tin về phòng chống lụt, giảm nhẹ thiên tai trong cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã được Đài Truyền thanh xã truyền tải kịp thời, giúp người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống cho gia đình.
Ngoài ra, các thông tin về thị trường lao động cũng được nhiều người dân đón nhận. Nhờ đó, các lao động trẻ đã mạnh dạn đi làm tại các thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Có thể nói, việc “xóa đói” thông tin là một trong những chân kiềng tạo đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Từ đó, các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo được phát huy tích cực.
Ngoài thông tin, việc tiếp cận với các hệ thống viễn thông 3G, 4G, 5G cũng giúp người dân chia sẻ thông tin với nhau, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản mình làm ra.
Đa dạng các hình thức giảm nghèo thông tin
Chuyển đổi số được xem là tiền đề vững chắc cho công tác “xoá đói” thông tin cho người dân vùng khó khăn. Tại huyện Yên Sơn, việc chuyển đổi số đã được UBND huyện xây dựng thành Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, huyện hướng tới phổ cập kỹ năng số giúp người dân, doanh nghiệp được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số, để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số và tạo nguồn nhân lực, nhằm thực hiện chuyển đổi số…
Theo bà Lý Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Trung Minh (huyện Yên Sơn), trên thực tế, số người dân biết và thực hiện các dịch vụ công ở xã vẫn còn khiêm tốn, việc thực hiện các thao tác trên điện thoại thông minh chưa tốt, nhiều người còn tâm lý đến tận xã giải quyết cho “chắc chắn” dẫn đến hiệu quả chuyển đổi số chưa được như kỳ vọng. Tại một số xã trên địa bàn huyện, để người dân biết và thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng, cán bộ xã phải thực hiện 2 việc, vừa nhận hồ sơ, giấy tờ bản giấy, vừa đồng thời “cầm tay chỉ việc” cho người dân làm các thao tác trên điện thoại thông minh theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”…
Để thực hiện muc tiêu giảm nghèo về thông tin, đồng thời giải quyết những khó khăn, bất cập hiện tại, theo kế hoạch, thời gian tới, các cấp chính quyền, địa phương tại huyện Yên Sơn sẽ tiếp tục quyết tâm gỡ những “điểm nghẽn” trong thực hiện chuyển đổi số, như: Tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp; tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức về nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát chương trình, các dự án hỗ trợ giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất và nội dung cho hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở, nhất là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, để cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất - kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, Yên Sơn sẽ đẩy mạnh các giải pháp xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn huyện; tập trung phát triển hạ tầng số; tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin.