Từ tháng 7/2019 Yên bái chính thức triển khai thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”. Sau hơn 4 năm, chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Phó chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái: Hiện toàn tỉnh Yên Bái có trên 200 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận, thuộc 4 nhóm ngành là thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí, thảo dược, đồ uống và sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn.
Đến xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, vùng nguyên liệu lớn sản xuất cây đao riềng của tỉnh Yên Bái. Phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, hợp tác xã khởi nghiệp Xanh Toàn Nga đã tận dụng, thu mua đao riềng của người dân để sản xuất miến đao tráng thái. Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm nay, nhưng với những kỹ thuật, sáng tạo riêng về nguyên liệu và chế biến, sản phẩm miến đao của HTX đã có một hương vị đặc trưng để tạo dựng “chỗ đứng” trên thị trường. Hiện sản phẩm miến đao tráng thái của HTX đã được công nhận đạt tiêu chí OCOP 3 sao.
Ông Đỗ Danh Toàn, Giám đốc HTX khởi nghiệp Xanh Toàn Nga cho biết: Sản phẩm miến đao tráng thái khác với miến đao khác là quy trình sản xuất: Miến sau khi được tráng trên máy, sẽ được mang ra phơi dưới nắng, sau đó mới đến công đoạn thái. Nhờ đó, khi chế biến nó mềm hơn là miến rút và khi nấu hay xào thì ngấm gia vị đều hơn, ăn mềm hơn.
Những năm gần đây, xã Quy Mông đã và đang phát triển cây đao riềng theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa và tạo nên vùng nguyên liệu lớn. Hiện nay, trong xã đã có 4 cơ sở sản xuất miến đao và có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Theo ông Phùng Tiến Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông, huyện Trấn Yên cho biết: Chính quyền sẽ đồng hành cùng với hợp tác xã, từng bước hoàn thiện sản phẩm để có được những sản phẩm tốt hơn, Đồng thời, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp để sản phẩm đạt tiêu chuẩn là sản phẩm 4 sao trong những năm tiếp theo, đảm bảo khi sản phẩm được đưa ra thị trường sữ đạt các tiêu chí sạch và xanh đúng theo định hướng mà địa phương cùng hợp tác xã đã đề ra.
Còn tại xã Đào Thịnh huyện Trấn Yên, các hộ gia đình trồng quế đều phải tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ. Sản phẩm quế hữu cơ theo chuỗi giá trị đã trở thành một sản phẩm chủ lực của địa phương. Là nông dân đã 20 năm gắn bó với cây quế, chị Lan Anh cảm nhận rõ được những thay đổi tích cực của công việc vốn được cho là thu nhập thấp mà vất vả này.
Chị Lan Anh chia sẻ: “Cách đây 20 năm thì quế lúc đấy rẻ lắm, vỏ to lắm cũng chỉ 10 nghìn đồng một cân vỏ. Nhưng sau mấy năm gần đây, quế bắt đầu tăng giá từ 10 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg. Tất cả đều quy trình trồng quế đều chúng tôi làm sạch để bán được với giá cao nhất. Quế được trồng từ 15 năm là bắt đầu cho thu hoạch, mỗi vụ, gia đình tôi đều chặt trắng, sau đó là sẽ trồng gối, vì thế cứ lô này mà thu hoạch xong thì lại đến lô khác, nên quanh năm, lúc nào cũng có quế để thu bán".
Được biết, để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm thì ngay từ đầu khi bắt đầu triển khai, tỉnh Yên Bái đã thống nhất quan điểm không chạy theo phong trào mà phải đi vào thực chất theo quy luật cung cầu, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng sản phẩm đặc sản chủ lực của tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, các sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, các quy định về chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao phải là những sản phẩm đã được cơ quan quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Những sản phẩm bốn sao thì phải có chứng nhận chất lượng tiên tiến như là Vietgap, hữu cơ, ISO …
Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vùng sản xuất quế hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế đã mở rộng cánh cửa để Yên Bái xuất khẩu các sản phẩm quế chủ lực sang các thị trường khó tính trên thế giới, đạt giá trị kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam VINASAMEX chia sẻ: Hiện tại chúng tôi đang xuất khẩu vào 4 bốn thị trường chính, thứ nhất là Châu Âu, thứ hai là Mỹ thứ ba là Nhật Bản và thứ tư là Hàn Quốc. Đây là 4 thị trường đang có yêu cầu khó tính nhất về sản phẩm, đều đòi hỏi chất lượng rất nghiêm ngặt, kiểm soát chất lượng sản phẩm từ vùng nguyên liệu, đảm bảo chính xác nguồn gốc từng lô hàng. Thị trường quế ở Yên Bái cũng là một trong những địa chỉ tin tưởng mà chúng tôi đã và đang sẽ có nhiều chương trình hợp tác.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao. Hiện, diện tích hiện trồng quế trên địa bàn tỉnh đạt gần 80.000 ha, tập trung tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên.... Trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ quế hữu cơ đạt chuẩn quốc tế trên 4.500 ha.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng và phát triển thêm các sản phẩm chủ lực có lợi thế, tỉnh Yên Bái còn không ngừng nâng cao giá trị hàng hóa, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Nhiều mô hình, vùng sản xuất xanh, nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm đã được xây dựng và triển khai như tại nhiều huyện thu hút rất nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các hộ dân...
Việc phát triển vùng nguyên liệu xanh, sản xuất sạch với quy mô lớn gắn với phát triển sản phẩm OCOP đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét ở các huyện thuần nông Yên Bái. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" của Yên Bái đã từng bước tạo dựng ngày càng nhiều sản phẩm có thương hiệu mạnh, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Sản phẩm OCOP không chỉ khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, mà còn góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.