Lớp học đặc biệt giữa rừng già
Lý do khiến tôi vượt 30km đường từ trung tâm huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) về xã biên giới Thanh, là muốn được xem, được thấy những phụ nữ Bru-Vân Kiều vượt rừng đêm đi học.
Non 7h tối, sau bữa cơm vội vàng với chồng con; những mẹ, những chị đã lại tay đèn, tay đuốc cắp sách vở đi học. Lớp học xóa mù được mở tại các điểm trường do Đồn Biên phòng Thanh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh tổ chức.
Kể lại động cơ theo học lớp xóa mù chữ, chị Hồ Thị Ka kể: Cứ mỗi lần thấy người khác đọc sách báo hay xem điện thoại, giấy tờ… là chị thấy rất tủi thân và thiệt thòi. Nghĩ vậy, chị Ka đã đăng kí tham gia lớp học xóa mù. Để rồi mỗi tối, chị lại đều đặn đến lớp luyện chữ, luyện đọc.
Cùng bản với chị Ka, chị Hồ Thị Két cũng đã hồ hởi kể lại hành trình tham gia lớp học: Trước đây mình cũng đã đi học, nhưng lâu ngày không dùng chữ nên quên rồi. Nay có lớp học xóa mù tại bản, mình tham gia ngay. Phải học để biết cái chữ, biết cái số để còn phát triển kinh tế chứ.
Những lớp xóa mù chữ này thật đặc biệt, bởi đối tượng học là những phụ nữ miền sơn cước; Lớp học đều đặn mở cửa mỗi tối, khi những phụ nữ ấy đã qua một ngày tất bật với nương rẫy, đã lo toan xong việc nhà… mới yên tâm đi tìm con chữ riêng cho mình- những con chữ để mở ra cánh cửa tiếp cận với thế giới bên ngoài bản làng. Những con chữ được đánh đổi bằng những đêm băng rừng, vượt dốc; rồi bập bùng ánh đuốc, ánh đèn… giữa đại ngàn.
Thế rồi, dọc tuyến biên giới Quảng Trị, những xã Thanh, A Dơi, A Xing, A Túc… đâu đâu cũng rộn rã tiếng ê a đánh vần giữa đêm khuya. Bà con người Pa Cô, Bru-Vân Kiều ngày ngày lên nương, lên rẫy; tối đến lại vượt núi, băng rừng đi tìm tri thức. Với họ, sự học không bao giờ muộn.
Bà Hồ Thị Lét (55 tuổi, thôn Xa Doan, xã A Dơi), là học viên lớn tuổi nhất trong lớp xóa mù. Dù đã lớn tuổi nhưng bà Lét lại là học viên chuyên cần nhất lớp. Bài tập được giao, bà đều cặm cụi làm rất đầy đủ. Ngày đầu học cầm phấn, bà nắm chặt trong tay như cầm cuốc khiến cô giáo cũng phải phì cười. Mất 1 tuần để bà Lét học cách cầm bút và 1 tháng sau mới làm quen được với các nét cong. Và, sau ba tháng đến lớp xóa mù, bà Lét đã biết mặt chữ, đọc và viết được bảng chữ cái.
Chị Hồ Thị Tê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh xúc động: Phụ nữ Bru-Vân Kiều, Pa Cô rất cần con chữ, có chữ mới đọc được, đọc được thì mới có tri thức. Nhìn các chị, các mẹ đến lớp đầy đủ, chịu khó học tập, chúng tôi vui lắm.
Và, cũng chính từ cái sự học, không chỉ hiểu biết thêm về kiến thức khoa học kĩ thuật để phát triển kinh tế, xây dựng bản làng no ấm; đồng bào còn tìm gặp dân tộc mình, bản làng mình, những giá trị về truyền thống văn hóa của dân tộc hiện lên ở từng con chữ.
Thầy giáo quân hàm xanh
Từ lâu, xóa mù chữ đã là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, mở ra cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ, ứng dụng vào lao động, sản xuất và thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Cũng vì thế, các Đồn Biên phòng Thanh, Ba Tầng… nơi huyện giáp biên Hướng Hóa, đã cùng chính quyền địa phương, mở nhiều lớp xoá mù chữ dành cho các mẹ, các chị quá độ tuổi.
Khi chúng tôi ghé thăm, lớp học xóa mù chữ ở xã A Dơi của Đồn Biên phòng Ba Tầng. Lớp học tổ chức được gần hai tháng nay do Thượng úy Hồ Văn Hữu, 29 tuổi, Đội trưởng đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ba Tầng đứng lớp.
Lại nói về “thầy Hữu”. Anh ấy là người Bru-Vân Kiều nên có nhiều lợi thế trong việc hỗ trợ các mẹ, các chị học chữ. Sống và gắn bó với bà con nhiều năm, thượng úy Hữu hiểu rõ những khó khăn khi không biết chữ. Thượng úy Hồ Văn Hữu chia sẻ: Không biết chữ, người dân đến các cơ quan làm giấy tờ đều gặp khó khăn, công tác tuyên truyền các chính sách, chế độ… cũng gặp không ít những cản trở. Nhiều chị em có tố chất có thể phát triển và hỗ trợ cho cộng đồng nhưng không biết chữ là thiệt thòi rất lớn.
Còn thiếu tá Hồ Văn Hai (Đồn Biên phòng Ba Tầng), là người đứng lớp ở điểm trường Prin Thành trải lòng: Chị em phụ nữ rất chịu khó học chữ, họ học để tiếp cận với khoa học, kĩ thuật…; để hiểu biết hơn về cuộc sống bên ngoài bản làng. Thành ra, chúng tôi càng thấy vui, càng quyết tâm hơn để ước muốn của họ thành hiện thực.
Mỗi khóa học xóa mù kéo dài 6 tháng, mỗi tuần học 3 buổi vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy, từ 7 - 9 giờ tối. Mỗi lớp có 30 đến 35 học viên, là phụ nữ trong độ tuổi 30 - 40, một số ít 16 - 17 tuổi.
Đem câu chuyện xóa mù chữ hỏi lãnh đạo các xã nơi huyện miền tây Quảng Trị, ai cũng hồ hởi. Nếu như trước đây, do nhiều nguyên nhân thì tỉ lệ tái mù chữ còn cao. Còn nay, tình trạng tái mù chữ đang giảm dần, tỉ lệ phụ nữ Pa Cô, Bru-vân Kiều biết chữ ngày càng tăng. Xóa mù chữ đang là một trong những “chìa khóa” hữu hiệu giúp người dân miền núi vươn lên xóa đói, thoát nghèo.
Cuộc chuyện trò ngắn ngủi với chị Hồ Thị Thi, dân tộc Bru-Vân Kiều ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi (huyện Hướng Hóa) trên đường đến lớp, khiến chúng tôi vững tin hơn về những phụ nữ khát khao đi tìm tri thức giữa đại ngàn Trường Sơn: Tôi muốn học chữ lâu lắm rồi nhưng nay mới tham gia được. Trước không đi học thì làm gì cũng khó, có khi không đủ ăn nên nhà nghèo thì phải học. Nhờ học được chữ, tôi đọc được sách báo, trên đó có những câu chuyện hay, những cách để thoát nghèo. Tại lớp học, tôi còn được học cách trồng lúa, trồng sắn và cách bón phân, cái gì cũng có ích.