Xuất khẩu cao su 6 tháng đạt 1,15 tỉ USD
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, trong tháng 6/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 130 nghìn tấn, trị giá 221 triệu USD, tăng 57,1% về lượng và tăng 54,2% về trị giá so với tháng 5/2021; so với tháng 6/2020 giảm 4,7% về lượng, nhưng tăng 36,1% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân cao su tháng 6/2021 ở mức 1.700 USD/tấn, giảm 1,9% so với tháng 5/2021, nhưng tăng 42,8% so với tháng 6/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 681 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 41,3% về lượng và tăng 79,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao sucủa Trung Quốc đạt 5,14 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 770,01 triệu USD, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021 chiếm 15%, tăng so với mức 10,9% của 5 tháng đầu năm 2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên đạt 1,49 tỷ USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên chủ yếu từ các thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc, đạt 88,37 triệu USD, tăng 112,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 5,9% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 4,2% của 5 tháng đầu năm 2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp đạt 2 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn nhất cho Trung Quốc.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc, đạt 677,28 triệu USD, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 33,8% trong tổng trị giá nhập khẩu chủng loại cao su này của Trung Quốc, tăng so với mức 21,6% của 5 tháng đầu năm 2020.
Hạt điều Việt Nam được ghi nhận ở thị trường Pháp
Trung tâm Thương mại Quốc tế cho biết, nhập khẩu hạt điều của Pháp trong quý I/2021 đạt 4,2 nghìn tấn, trị giá 32,97 triệu USD, tăng 20,5% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Quý 1/2021, Pháp giảm nhập khẩu hạt điều từ nhiều nguồn cung, nhưng tăng mạnh từ Việt Nam, Hà Lan. Theo đó, nhập khẩu hạt điều của Pháp từ Việt Nam đạt 2,93 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 22 triệu USD, tăng 42,4% về lượng và tăng 28,0% về trị giá so với quý 1 năm 2020. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 58,70% trong quý 1/2020, lên 63,35% trong quý 1/2021.
Quý I/2021, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Pháp đạt 7.800 USD/tấn, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Pháp giảm từ các thị trường Việt Nam, Đức, Brazil, nhưng tăng từ Ấn Độ, Hà Lan.
Hạt điều ở Pháp là một món ăn nhẹ phổ biến, ngày càng được sử dụng làm thành phần trong đồ uống từ hạt như sữa hạt điều không đường hoặc đồ ăn nhẹ. Cục Xuất Nhập Khẩu đánh giá, Pháp được coi là thị trường xuất khẩu hạt điều tiềm năng lớn của Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Pháp được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.