Tại huyện vùng cao Si Ma Cai, ngay khi có chủ trương của Trung ương, huyện đã đặt ra tiêu chí rõ ràng cho việc lựa chọn trụ sở của xã mới để cán bộ, Nhân dân nắm bắt chủ trương chung. Năm 2020, huyện Si Ma Cai thực hiện sáp nhập 5 xã để thành lập 2 xã mới. Cụ thể, sáp nhập xã Quan Thần Sán, Cán Hồ, Mản Thẩn để thành lập xã Quan Hồ Thẩn; sáp nhập xã Lùng Sui và Lử thần để thành lập xã Lùng Thẩn.
Sau sáp nhập huyện có 10 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 9 xã và 1 thị trấn), giảm 3 xã so với trước đây. Huyện đưa ra các nguyên tắc để lựa chọn trụ sở mới, gồm cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, có nhà văn hóa trung tâm cơ bản đáp ứng sinh hoạt, hoạt động cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; diện tích trụ sở rộng, đặt ở vị trí trung tâm để thuận lợi cho người dân đến giao dịch và thực hiện các thủ tục hành chính.
Căn cứ vào các tiêu chí trên, huyện đã lựa chọn trụ sở làm việc của xã Cán Hồ làm trụ sở xã Quan Hồ Thẩn, lựa chọn trụ sở xã Lùng Sui làm trụ sở xã Lùng Thẩn.
Tại thị xã Sa Pa, xã Nậm Sài sau khi sáp nhập với xã Nậm Cang thành xã Liên Minh, thì đặt trụ sở tại xã Nậm Cang cũ; xã Thanh Kim sáp nhập với xã Bản Phùng thành xã Thanh Bình, trụ sở đặt tại xã Bản Phùng cũ; xã Tả Giàng Phìn sáp nhập với xã Bản Khoang thành xã Ngũ Chỉ Sơn, trụ sở đặt tại Bản Khoang; xã San Sả Hồ về phường Ô Quý Hồ, trụ sở San Sả Hồ chuyển cho xã Hoàng Liên sử dụng…
Trong đề án thành lập, sáp nhập xã nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đã tính đến phương án sử dụng các trụ sở xã cũ. Theo đó, với các trụ sở không được lựa chọn sử dụng thì hợp nhất vào các xã mới thành lập, đồng thời nghiên cứu, có phương án sử dụng cho phù hợp với mục đích hoạt động cho tập thể, bố trí cho các cơ quan nhà nước còn khó khăn về nơi làm việc; hoặc chuyển đổi theo quy định của Nhà nước. Cụ thể như tại huyện Si Ma Cai, đến nay hầu hết các trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập đã được chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp.
Theo đó, trụ sở xã Quan Thần Sán đang được sửa chữa làm cơ sở dạy học cho trẻ mầm non. Đối với trụ sở xã Lử Thẩn, một phần được các nhà trường cải tạo làm khu nội trú, nhà công vụ giáo viên. Phần còn lại được sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư. Trụ sở Mản Thẩn giữ lại một phần cho xã bố trí cán bộ trực bộ phần một cửa để nhân dân giảm bớt thời gian đi lại giải quyết thủ tục hành chính.
Tại thị xã Sa Pa, hầu hết các trụ sở đều được cải tạo làm nơi sinh hoạt cho học sinh bán trú tại các trường học trên địa bàn. Riêng trụ sở xã Suối Thầu được giao cho thôn quản lý làm nơi sinh hoạt, hội họp của bà con trong thôn…
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số xã vẫn loay hoay tìm phương án sử dụng. Như huyện vùng cao Bắc Hà, sau khi sáp nhập hai thôn Na Hô và thôn Na Lo của xã Tà Chải, thì những buổi sinh hoạt cộng đồng đều chuyển về nhà văn hóa tại thôn Na Lo. Bởi vậy, dù mới được xây dựng khang trang, nhưng nhà văn hóa thôn Na Hô cũng chỉ khóa trái, để không. Qua rà soát, toàn huyện Bắc Hà hiện có trên 30 nhà văn hóa thôn không được sử dụng.
“UBND huyện cũng đã có kế hoạch và chỉ đạo các xã rà soát và phải đề xuất phương án sử dụng hiệu quả đối với các nhà văn hóa mới xây nhưng hiện tại không sử dụng do sáp nhập thôn, bản…”, bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết.
Thống kê cho thấy, sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố, tỉnh Lào Cai có hơn 160 nhà văn hóa thôn, bản dôi dư không thường xuyên được sử dụng; hơn 300 nhà văn hóa thôn có diện tích, quy mô xây dựng không phù hợp với quy mô dân số, vị trí không phù hợp cần nâng cấp, sửa chữa.
Các công trình trụ sở xã, thôn bản đều là tài sản của Nhà nước, của Nhân dân; chính vì vậy, việc bố trí, sử dụng hiệu quả không chỉ tạo thuận lợi hơn cho cơ quan, đơn vị được sử dụng mà còn là giải pháp tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Thực tế đây không phải là việc quá khó khăn, kinh nghiệm từ những địa phương đã sớm hoàn thành công tác này là gợi ý cho các địa phương đang tiến hành rà soát, lựa chọn phương án phù hợp...