Hiện nay, giáo viên tại các trường học đang “lao tâm khổ tứ”, đi tìm hàng chục minh chứng để nộp cho nhà trường chuyển xếp hạng giáo viên theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Đây là chùm thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, THCS, THPT công lập.
Một thầy giáo dạy tiểu học ở Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi đang khổ vì phải đi tìm ít nhất là 27 minh chứng để xếp hạng giáo viên. Thôi thì đủ các loại quyết định, biên bản, hồ sơ, kế hoạch, hình ảnh… Tất cả đều phải có bằng giấy trắng mực đen rồi chụp lại gửi mail, Zalo... cho trường làm cơ sở để xét. Bản thân tôi chỉ giữ nguyên hạng II thôi cũng phải tìm bấy nhiêu minh chứng. Trong thời gian dịch bệnh, việc tìm minh chứng các tiêu chuẩn là rất khó, vì đa số các minh chứng đó đều lưu trong hồ sơ của nhà trường. Nhiều giáo viên toát cả mồ hôi mấy ngày trời tìm kiếm mà vẫn không đủ, đành ngậm ngùi xuống hạng”.
Theo chùm thông tư này, “tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” được quy định riêng theo từng hạng giáo viên. Giáo viên hạng III (thấp nhất): “Chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử...”; Giáo viên hạng II: Ngoài các tiêu chuẩn hạng III, giáo viên hạng II phải “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo". Đối với giáo viên hạng I, “phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.”
Hiện nay, đạo đức nhà giáo đang bị quy định bởi rất nhiều thông tư, nghị định: Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT; Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, Quyết định số 16/2008/QĐ-BGĐT.
Đặc biệt, trong Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT đã nói rất cụ thể về đạo đức nhà giáo, từ phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống tác phong, giữ gìn và bảo vệ đạo đức nhà giáo. Nhưng đến chùm thông tư này, thì “bỗng dưng”, mỗi thầy cô lại bị xếp hạng đạo đức và phải chứng minh đạo đức của mình theo mỗi hạng. Việc chồng chéo trong quy định này tiếp tục làm khổ giáo viên trên cả nước, chứ không chỉ riêng vùng miền nào.
Trên thực tế, khi nói về phạm trù đạo đức, chúng ta thường nghĩ đến nhiều khía cạnh khác nhau, như: Phẩm chất, lối sống, tác phong…; Nhưng, thực tế thì việc nhìn nhận, đánh giá một con người có đạo đức tốt, chưa tốt vẫn rất trừu tượng, chung chung và khó định lượng. Dù là bất cứ nghề nghiệp nào, chứ không chỉ riêng nghề đặc thù – giáo viên, vốn đã đòi hỏi chuẩn mực đạo đức cơ bản để hành nghề. Hơn nữa, điều này có thể gây ra những tổn thương không đáng có đối với nhà giáo.
Nếu đánh giá đạo đức nhà giáo chỉ dừng lại ở cụm từ “Chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử”, thì sẽ dễ dàng hơn việc đánh giá “Ngoài các tiêu chuẩn hạng III, giáo viên hạng II phải “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo”.
Xếp hạng đạo đức theo từng mức độ, nghĩa là “buộc” các thầy cô vào hiện trạng người “đủ”, người thiếu tiêu chuẩn đạo đức hay chăng?
Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng, chùm thông tư cần rút gọn các tiêu chí và các chỉ số của từng tiêu chí, theo hướng có những tiêu chí chung cho các hạng chức danh. "Ví dụ tiêu chí đạo đức nghề nghiệp. Hiện, mỗi hạng có một tiêu chí đạo đức là không phù hợp. Cần thay đổi theo hướng chỉ cần một tiêu chí đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng. Đặc biệt, nhiều chỉ số không định lượng mà chỉ định tính, sẽ khó có minh chứng thuyết phục", thầy Tuấn Anh phân tích.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, đây là một trong những bất cập trên lộ trình trả lương theo vị trí việc làm. Đạo đức nghề nghiệp nhà giáo là quy định chung trong luật rồi, nhưng tại sao khi xếp hạng giáo viên lại phải phân đạo đức nhà giáo thành 3 hạng: 1, 2, 3", ông Vinh chia sẻ quan điểm.
Thực tế, không có bất cứ chứng cứ khoa học để chứng minh, giáo viên hạng cao hơn có đạo đức cao hơn giáo viên hạng thấp và ngược lại. Việc này tồn tại những bất cập, khó có thể khả thi trong thực tiễn. Giáo viên vốn đã quá “nặng gánh” khi đặt trên vai nhiều trọng trách,nay lại thêm nhiệm vụ chứng minh đạo đức nghề nghiệp của chính mình. Điều đó, liệu có công bằng với nhà giáo?