Theo Uỷ ban bầu cử tỉnh Cà Mau, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ở Cà Mau có 1.259 khu vực cử tri bỏ phiếu bầu cử thuộc 14 đơn vị bầu cử, với tổng số 852.514 cử tri (đủ điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân). Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có 2 Tổ bầu cử tại cụm đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối đã hoàn thành việc bỏ phiếu sớm vào ngày 21/5.
Ghi nhận của phóng viên tại ấp Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển)- Mảnh đất cực Nam của Tổ quốc, bà con địa phương hồ hởi đi bỏ phiếu bầu cử. Thời tiết trong ngày bầu cử rất thuận lợi cho công tác tổ chức cũng như việc cử tri đi bỏ phiếu.
Ấp Mũi - nơi đặt mốc tọa độ GPS-0001, đánh dấu điểm cuối của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền thuộc đơn vị bầu cử số 8, tổ bầu cử số 12 của xã Đất Mũi, với 1.155 cử tri tham gia bỏ phiếu. Bà con đến bỏ phiếu đeo khẩu trang, khai báo y tế, giữ khoảng cách để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, Ban Tổ chức bắt đầu chương trình vào lúc 7h. Tuy nhiên, nhiều cử tri đến từ rất sớm để thực hiện quyền chọn người đại diện cho mình.
Tại TP. Cần Thơ, tổng số cử tri trên địa bàn TP. Cần Thơ đến ngày 23/5 là 948.687 người. Trên địa bàn có tổng số 943 khu vực bỏ phiếu (trong đó có 8 khu vực đã bỏ phiếu sớm vào ngày 20/5). Toàn TP. có 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV để bầu ra lấy 7 ĐB; 87 người ứng cử ĐB HĐND TP để bầu lấy 54 ĐB; 473 người ứng cử ĐB HĐND cấp huyện để bầu lấy 287 ĐB; 3.402 người ứng cử ĐB HĐND cấp xã để bầu lấy 2.038 ĐB.
Chúng tôi có mặt tại tại điểm bầu cử số 7, khu vực 4, phường An Cư và ghi nhận tinh thần phấn khởi, ý thức trách nhiệm của các vị sư sãi tham gia bầu cử tại đây. Thượng tọa Lý Hùng lấy thẻ cử tri được cất cẩn thận trong áo cà sa, cầm trên tay, Thượng tọa chia sẻ: 5 năm mới có một lần, sư tranh thủ đến sớm để cùng mọi người làm thủ tục. Từ những thông tin ban đầu của Uỷ ban bầu cử, sư đã nghiên cứu và có trách nhiệm chọn đúng các vị có đủ tâm và tầm để cùng Đảng bộ, chính quyền với đồng bào cử tri TP. Cần Thơ xây dựng thành tốt phát triển toàn diện trên mọi mặt, xứng tầm với vị thế thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng với cử tri cả nước, tỉnh Sóc Trăng có trên 965 nghìn cử tri tham gia bỏ phiếu ở 1.260 Tổ bầu cử. Các tổ bầu cử khai mạc sớm hơn 7 giờ sáng để cử tri thuận tiện trong việc sắp xếp thời gian đi bầu cử. Với hệ thống giao thông nông thôn đang từng ngày hoàn thiện, cử tri đến được các địa điểm bầu cử dễ dàng. Với tinh thần trách nhiệm cao, các cử tri đã chọn lựa, bầu những đại biểu xứng đáng nhất.
Theo quan sát của chúng tôi, các điểm bỏ phiếu được trang trí cờ hoa, khẩu hiệu chào mừng bầu cử, việc bố trí hòm phiếu được đảm bảo thuận tiện cho cử tri, công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn phòng, chống dịch Covid-19 được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.
Đặc biệt, tại nhiều địa phương ở Sóc Trăng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, để thể hiện sự trang trọng, thu hút cư tri tham gia bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đã chủ động phối hợp với Ban Quản trị các chùa sử dụng khu vực Sala (giảng đường, trai đường) để làm điểm bầu cử.
Tại Tỉnh Trà Vinh, một trong những địa phương có số lượng đồng bào dân tộc Khmer nhiều nhất cả nước, chiếm tỷ lệ 32% dân số toàn tỉnh. Cuộc bầu cử lần này, tỉnh Trà Vinh có 10 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH để bầu chọn 6 đại biểu; giới thiệu 83 ứng cử viên để bầu 50 đại biểu HĐND tỉnh. Toàn tỉnh có 815 Ủy ban bầu cử cấp xã, phường, thị trấn, với 1.021 tổ bầu cử, tổng số cử tri toàn tỉnh 796.894 người.
Ông Thạch Cân, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 1, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, một trong những điểm hoàn thành bầu cử sớm từ 10 giờ sáng cho biết: Do đẩy mạnh tuyên truyền trong dân, nên bà con đến bỏ phiếu rất sớm, và chấp thành nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Đến thời điểm này, việc bỏ phiếu đã cơ bản hoàn thành.
Theo thống kê, tỉnh Hậu Giang có hơn 540 nghìn cử tri đi bầu tại 880 tổ bầu cử trong tỉnh. Là tỉnh có địa bàn rộng, hệ thống song ngòi chằng chịt việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Để thuận lợi cho người dân và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, trong đợt bầu cử nhiệm kì 2021 - 2026, Ủy ban bầu cử đã mượn 440 nhà dân làm điểm bỏ phiếu. Trước đó 100% các tổ bầu cử đều được phun thuốc khử trùng, công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt tại mỗi điểm.
Chúng tôi có mặt tại khu vực I, phường IV, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang - đây là điểm có đông đồng bào Khmer sinh sống. Ông Danh Hồng (74 tuổi) ngụ tại khu vực I, phường IV, phấn khởi nói: “Hôm nay là một ngày rất đặc biệt, tôi đã dậy từ sớm để đi bầu cử. Tôi hy vọng các ứng cử viên trúng cử lần này sẽ đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của quê hương, đất nước, tiếp tục quan tâm đến đời sống đồng bào Khmer...”