Mất hơn 3 tiếng đồng hồ đi bộ từ trung tâm xã, chúng tôi mới tới được điểm trường Vàng Ngần thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Suối Quyền, huyện Văn Chấn. Đây là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa lũ vừa qua.
Hiện ra trước mắt chúng tôi là hình ảnh ngôi trường tan hoang, những tấm tôn bị xé nát, tường gạch bị đổ sập. Hơn chục thầy cô giáo đang tập trung thu dọn đống đổ nát, kiểm tra tận dụng những trang thiết bị còn có thể sử dụng được.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, Phụ trách điểm trường cho biết: Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 19/7, sau cả đêm mưa to, đất đá, bùn từ trên đỉnh núi ào ào đổ về, khiến cho ngôi trường cấp 4 mới được Công ty thủy điện Văn Chấn xây tặng bị đất dá vùi lấp hư hỏng hoàn toàn.
“Cũng may, sạt lở xảy ra vào dịp học sinh đang nghỉ hè chứ nếu hôm đó, các em đang học thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Các cụ già ở đây thì bảo, con lũ này gần 50 năm nay mới xảy ra trên địa bàn xã Suối Quyền. Hàng trăm hàng nghìn hòn đá to bằng nửa gian nhà lăn ầm ầm từ trên đỉnh núi xuống cuốn bay những gì mà nó đi qua”, thầy Sơn kể.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Suối Quyền cho biết: Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Suối Quyền có 4 điểm trưởng lẻ, trong trận mưa lũ vừa qua có 2 điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó điểm trường Vàng Ngần thiệt hại nặng nhất, khoảng trên 300 triệu đồng. Chúng tôi xác định, riêng điểm trường Vàng Ngần này không thể khắc phục được trong năm học 2018-2019, hơn nữa tuyến đường vào xã bây giờ vẫn đang bị chia cắt không thể vận chuyển vật liệu vào sửa chữa. Nhà trường cũng đã báo cáo và tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng giáo dục huyện. Trước mắt. Trường sẽ chuyển 32 em học sinh đang học ở điểm trường này về trường chính học bán trú. Còn cơ sở vật chất điểm trường Vàng Ngần sẽ tận dụng những nguyên vật liệu còn sử dụng được: Mái tôn, bàn ghế... để chuyển sang lớp mẫu giáo cũng đang học tại đây.
“Chúng tôi cũng đã tổ chức họp phụ huynh lấy ý kiến về việc chuyển các em ra trường chính, hầu hết các bậc phụ huynh đều đồng tình với chủ trương này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là, cơ sở vật chất ở điểm trường chính rất chật hẹp. Nếu chuyển 32 em ra, thì tổng số học sinh bán trú của trường sẽ là 155 em. Trong khi đó, nhà trường chỉ có 7 phòng ở bán trú thiết kế 8 em/phòng, như vậy sẽ rất chật trội, chúng tôi cũng chưa biết tính thế nào”, thầy Hương cho biết thêm.
Xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn cũng là một trong những địa bàn chịu thiệt hại do mưa lũ. Trường mầm non Sơn Lương có 2 điểm trường với 270 em học sinh. Trong đó, hiện tại có một điểm trường đang bị cô lập. Trước mắt, để kịp cho ngày tựu trường, nhà trường đã tham mưu với các ngành chức năng sẽ bố trí mượn tạm một phòng hội trường của trụ sở UBND xã cũ để cho hơn 70 cháu học tập.
“Nhà trường cũng có 48 cháu bị ảnh hưởng do mưa lũ, trong đó có 3 cháu nhà bị cuốn trôi hoàn toàn. Chúng tôi đã tới thăm hỏi, mua sách vở, đồ dùng học tập để động viên các cháu có thể tựu trường đúng thời gian quy định”, cô Nguyễn Bích Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Theo thống kê của ngành Giáo dục Văn Chấn, đợt mưa lũ vừa qua đã có 5 điểm trường trên địa bàn huyện bị hư hỏng, thiệt hại. Phòng Giáo dục huyện đã khẩn trương báo cáo cấp ủy, chính quyền huyện bố trí kinh phí tu sửa các điểm trường để chuẩn bị cho năm học mới.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Trưởng Phòng Giáo dục huyện Văn Chấn cho biết: Ngành Giáo dục đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và cán bộ giáo viên trong huyện ủng hộ được gần 1 tỷ đồng để tập trung sửa chữa, trang bị đồ dùng dạy và học.
Không chỉ cơ sở vật chất trường học bị ảnh hưởng do mưa lũ, qua thống kê có 403 em học sinh bị ảnh hưởng do mưa lũ. Trong đó, 70 em có nhà bị trôi hoàn toàn, 299 em học sinh có gia đình bị thiệt hại về kinh tế, 34 em có nhà thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Để kịp thời động viên, chia sẻ, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường tới thăm hỏi gia đình các em bị thiệt hại nặng; vận động cha mẹ học sinh cố gắng cho con em tới trường, không vì mưa lũ mà các em phải bỏ học.
“Riêng đối với 32 em học sinh ở điểm trường Vàng Ngần phải chuyển ra trường chính, chúng tôi đã lập danh sách để các em có chế độ bán trú, bảo đảm cho các em có điều kiện sinh hoạt và học tập bình thường. Phòng cũng đã lên phương án bảo đảm an toàn để đưa các em ra trường chính trong thời gian tới, vì hiện nay tuyến đường ra xã đang bị chia cắt, để đi được có đoạn phải đu dây; đồng thời đề nghị cấp ủy chính quyền địa phương bố trí lực lượng công an, dân quân tự vệ hỗ trợ các em di chuyển”, ông Hải nhấn mạnh.
Năm học 2018-2019, toàn huyện Văn Chấn có hơn 37 nghìn học sinh ở các cấp học. Theo kế hoạch từ ngày 15 đến ngày 27/8, học sinh các trường sẽ tựu trường chuẩn bị cho năm học mới khai giảng vào ngày 5/9.
TRỌNG BẢO