Ông Vũ Kiên Cường cho biết: Nghị quyết số 06 được đánh giá là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh trong tương lai.
Với mục tiêu nhằm thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau mà cụ thể là: Đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi , biên giới, hải đảo; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.
Nghị quyết xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn. Đến hết năm 2022 không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới...
So với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Quảng Ninh đã mở rộng phạm vi, địa bàn thụ hưởng Chương trình đến các xã, thôn, bản biên giới, hải đảo và gắn nhiệm vụ phát triển KT-XH với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh trong vùng. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đều xây dựng phấn đấu cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với thực tiễn của tỉnh.
Ông có thể thông tin rõ hơn về nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện được đề cập tại Nghị quyết 06?
Tại Nghị quyết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Bao gồm: Tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn.
Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Thực hiện tốt chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, trách nhiệm của hệ thống chính trị.
Giải pháp về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh có phải là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, thưa ông?
Như chúng ta biết, đối với vùng DTTS và miền núi, đào tạo nhân lực chất lượng cao là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi; quyết định đến học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực... Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, trong những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; đẩy mạnh đào tạo nghề, đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, là nhân tố quyết định sự thành công trước mắt và chiến lược của Quảng Ninh.
Nghị quyết số 06 xác định phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, nhóm giải pháp về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh, là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 06 đề ra, vai trò, trách nhiệm của Ban Dân tộc tỉnh được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Những mục tiêu của Nghị quyết 06 đưa ra rất rõ ràng và cụ thể, để đạt được mục tiêu này cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, Ban Dân tộc với vai trò là cơ quan tham mưu được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu triển khai Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 16 của HĐND tỉnh; đồng thời cũng là cơ quan thường trực thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan để tham mưu cho tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Trước mắt ngay trong những tháng còn lại của năm 2021, Ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với các cơ quan, sở ban ngành, các địa phương, tập trung khảo sát, kiểm tra đánh giá bước đầu công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai Nghị quyết 06 và việc xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể cấp huyện, cấp xã; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 và Chương trình mục tiêu Quốc gia; Triển khai ngay các nội dung, nhiệm vụ thuộc kế hoạch năm 2021 đã được UBND tỉnh cụ thể hóa và khảo sát xây dựng kế hoạch thực hiện các Nghị quyết cho năm 2022 đảm bảo sát, đúng và tính khả thi cao.
Có thể đánh giá, các Nghị quyết của cấp ủy, của HĐND các cấp tỉnh Quảng Ninh, cùng với những đề án, kế hoạch thực hiện... được đưa ra ngay từ những tháng, quý đầu của nhiệm kỳ khóa mới, đều là những quyết sách quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển bền vững vùng DTTS, miền núi và hải đảo; thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, chính quyền đến vùng đồng bào DTTS.
Xin trân trọng cảm ơn ông!