Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc lần thứ 7 - năm 2023 được tổ chức từ ngày 31/1 đến ngày 2/2 (tức ngày mùng 10 đến 12 tháng Giêng) tại thôn 4, xã Cư Êwi với sự tham gia của người dân trên địa bàn xã và một số thôn có đồng bào DTTS và miền núi phía Bắc đang sinh sống ở xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) và xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc).
Đến với lễ hội lần này, ngoài thưởng thức các làn điệu hát Then, đàn Tính quen thuộc, người dân, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các thiếu nữ trong trang phục truyền thống của 17 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn xã. Hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh cùng tìm về Cư Êwi để tham gia các trò chơi dân gian như tung còn, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt vịt, kéo co, lày cỏ, thi ẩm thực…
Sau tiếng trống khai hội, người dân, du khách hào hứng tham gia vào các trò chơi dân gian được bố trí theo từng khu vực. Phần thi được mong đợi nhất là thi ẩm thực. Đối với người dân tộc Tày, Nùng phía Bắc, bánh chưng, bánh dày, heo quay, vịt quay… là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.
Trông có vẻ đơn giản, nhưng để chuẩn bị cho phần thi này, các đội thi phải chuẩn bị nguyên liệu chế biến rất kỹ lưỡng. Theo kinh nghiệm của các đội thi, heo chọn quay xương phải nhỏ, thịt phải chắc và nạc nhiều, có trọng lượng dưới 30 kg. Heo được quay chín bằng lửa đượm của than hoa, quay đều tay trong nhiều giờ cho chín.
Heo quay đạt chuẩn ngoài vị thịt ngọt mềm còn phải có lớp da vàng đều, giòn rụm, không có vết nứt. Thịt heo quay khi ăn sẽ chấm với thứ nước được lấy ra từ trong bụng của heo với vị ngọt đậm đà, béo ngậy, dậy mùi thơm của lá và quả mắc mật.
Tại khu vực tổ chức thi lày cỏ, nhiều du khách hào hứng xem và cổ vũ các đội thi khiến không khí rất sôi động. Trò chơi lày cỏ gần giống như trò oẳn tù tì, nhưng phức tạp hơn vì phải kết hợp giữa miệng nói, tay xòe và suy nghĩ.
Người chơi có thể xòe ra mấy ngón tay, tùy mình thích, miễn sao cộng các ngón tay hai người khớp lại vừa đúng với số mà mình hô, ai đoán đúng sẽ thắng.
Mặc dù đã tham gia nhiều lễ hội ở khắp nơi, nhưng Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc ở Cư Êwi vẫn để lại cảm xúc riêng trong anh Nguyễn Văn Việt (TP. Hồ Chí Minh).
Anh Việt cho hay: “Mỗi dịp Tết đến, khi về Đắk Lắk thăm người thân, bạn bè tôi đều cố gắng tham gia Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc tại xã Cư Êwi để được đắm mình trong không khí tưng bừng, sự vui nhộn của những trò chơi dân gian và thưởng thức hương vị đồng quê của những sản vật quê hương. Điều đó đã giúp tôi có thêm trải nghiệm về phong tục tập quán, nét đẹp trong nghệ thuật ẩm thực, các giá trị văn hóa”.
Theo Chủ tịch UBND xã Cư Êwi Nguyễn Quốc Viện, xã Cư Êwi được thành lập từ năm 1993 với 10 thôn, buôn, trong đó có 4 thôn chủ yếu là đồng bào DTTS từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang vào định cư.
Nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, đưa chất lượng cuộc sống người dân ngày càng đi lên.
Với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, xã đã được bố trí kinh phí xây dựng sân bê tông tại thôn 4; ngoài ra, Công ty Xây dựng 470 (Binh đoàn 12) cũng đã hỗ trợ xây dựng công trình sân khấu ngoài trời nên việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và lễ hội cho nhân dân thuận lợi hơn nhiều.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân, Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức hằng năm đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu với mỗi người dân xã Cư Êwi.
Đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn, lưu truyền và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS phía Bắc đang sinh sống trên đất Cư Êwi.
Để tạo không khí sôi nổi, lan tỏa giá trị văn hóa cổ truyền của các dân tộc, tại lễ hội năm nay, UBND xã Cư Êwi đã mời Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê về tham dự.
Hân hoan trước không khí vui tươi của lễ hội, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’ Hen Niê chia sẻ: “Nhận lời mời tham dự Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc, tôi rất vui mừng và trân trọng tình cảm và sự mến khách của người dân xã Cư Êwi dành tặng cho mình. Đến với lễ hội, ngoài được tìm hiểu, nhìn ngắm nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em, tôi rất vui mừng trước những đổi thay và sự phát triển cả về đời sống vật chất, lẫn tinh thần của bà con nơi đây. Tôi hy vọng Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc sẽ tiếp tục được duy trì, tổ chức và ngày càng đổi mới để các giá trị văn hóa được chung tay bảo tồn và được quảng bá rộng rãi đến du khách ở mọi miền Tổ quốc".