Huyện Tam Đảo có 44,5% dân số là đồng bào DTTS. Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, 4 năm gần đây, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tam Đảo được quan tâm, đầu tư 43,8 tỷ đồng sửa chữa, xây mới cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng bộ.
Hiện nay, Trung tâm có 19 khoa, phòng chức năng, với 150 giường bệnh được trang bị đầy đủ hệ thống điện, nước, điều hòa, bình nóng lạnh, wifi… phục vụ người bệnh điều trị nội trú. Hệ thống trang thiết bị y tế được quan tâm, đầu tư, trong đó có nhiều máy móc hiện đại như: máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm 4D, máy đo chức năng hô hấp, máy chụp citi cắt lớp, máy đo độ loãng xương…
Cùng với hệ thống cơ sở vật chất, Trung tâm chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ. Đến nay, Trung tâm có gần 160 cán bộ, nhân viên, trong đó có 60 bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II. 6 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 25.100 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị tại TTYT huyện Tam Đảo, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cường, Phó Giám đốc TTYT huyện Tam Đảo cho biết: Năm 2024, Trung tâm đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới như: điện mãng châm điều trị liệt dây thần kinh số 7; siêu âm tim, màng tim qua thành ngực; nội soi trực tràng ống mềm; siêu âm Doppler mạch máu hệ tĩnh mạch cửa hoặc mạch máu ổ bụng… Việc triển khai hiệu quả các dịch vụ y tế chất lượng cao tại Trung tâm đã góp phần giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Điển hình mới đây, TTYT huyện Tam Đảo vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân T.V.T, 53 tuổi, xã Tam Quan, dân tộc Sán Dìu, nhập viện trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, xơ gan cổ trướng, không kiểm soát được đường huyết. Sau khi sơ cứu, thở oxy, tiêm isulin và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, bệnh nhân dần hồi phục.
Để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế, phòng khám đa khoa tại các vùng khó khăn, xa trung tâm. Nhờ vậy, năng lực của hệ thống y tế tại các xã được nâng lên rõ rệt.
Đơn cử, tại xã miền núi Quang Yên, huyện Sông Lô, năm 2018, Trạm Y tế của xã đã được đầu tư, xây dựng khang trang và được trang bị một số máy móc, đảm bảo yêu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn. Hiện nay, Trạm có 8 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 2 bác sĩ. 6 tháng đầu năm 2024, các y, bác sĩ đã khám, tư vấn cho gần 800 lượt bệnh nhân bằng bảo hiểm y tế.
Được biết, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 2.600 cán bộ, nhân viên y tế tại tuyến huyện, tuyến xã. Hằng năm, tỉnh dành nguồn kinh phí đáng kể cử cán bộ, bác sĩ đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có nhiều chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại cơ sở. Qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS tại các địa bàn xa trung tâm, vùng DTTS và miền núi của tỉnh.