Gia đình ông Trần Sông Nhất, dân tộc Sán Dìu, hộ cận nghèo thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719). Ông Nhất bộc bạch, gia đình ông thuộc hộ nghèo nhiều năm, nhờ sự nỗ lực cố gắng, gia đình ông đã thoát khỏi hộ nghèo năm 2021 và là hộ cận nghèo. Tuy nhiên công việc bấp bênh, không có việc làm ổn định, nên cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều khó khăn.
Từ nguồn vốn hỗ trợ thuộc Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, năm 2023, ông Nhất đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để mua 3 con trâu cái sinh sản. Trâu được gia đình chăm sóc, phát triển tốt, ông Nhất kỳ vọng khoảng 5 năm nữa ông sẽ hoàn trả được vốn vay và cố gắng vươn lên thoát khỏi hộ cận nghèo.
Tương tự, gia đình chị Bùi Thị Lan là hộ nghèo ở thôn Cầu Tre, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, công việc của vợ chồng chị bấp bênh, không có việc làm ổn định. Năm 2022, gia đình chị Lan được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo cho vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Có nguồn vốn, chị Lan đã cải tạo chuồng trại, tăng số lượng đàn lợn, đầu tư mua thêm 2 con trâu, 2 con bò và phát triển kinh doanh… Nhờ đó đã giúp gia đình chị Lan có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, có thu nhập khá hơn, cuộc sống dần ổn định.
Gia đình ông Đỗ Quang Chính ở thôn Cầu Tre, xã Hồ Sơn cũng được Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng. Ông Chính đã đầu tư cải tạo chuồng trại, mua thêm 3 con bò và 3 con lợn sinh sản. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện.
Theo báo cáo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo, đến hết tháng 6/2024, dư nợ cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đạt hơn 229 tỷ đồng, cho hơn 3.400 người vay. Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo cũng giải quyết cho 27 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi. Nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh… tạo thu nhập ổn định, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động.
Tại huyện Lập Thạch, triển khai chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo, giai đoạn 2021 - 2023, toàn huyện có 150 hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền 13 tỷ đồng; 214 hộ cận nghèo được vay 19,8 tỷ đồng; 73 hộ mới thoát nghèo được vay 6,3 tỷ đồng; hơn 1.800 hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 95,6 tỷ đồng…
Tính đến hết tháng 6/2024, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm toàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt gần 2.000 tỷ đồng với gần 35.000 khách hàng vay vốn; trong đó, 1.967 tỷ đồng cho hơn 34.600 lao động vay giải quyết việc làm trong nước; gần 29 tỷ đồng cho hơn 300 lao động vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Theo ông Hoàng Anh, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện Tiểu Dự án 1, thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh việc hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho đồng bào DTTS và miền núi. Riêng trong năm 2023, có 238 hộ đối tượng vay vốn tín dụng ưu đãi với kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2024 có 150 hộ đối tượng vay vốn tín dụng ưu đãi. Các huyện đang chỉ đạo phối hợp với Ngân hàng CSXH rà soát, lập danh sách, hướng dẫn các hộ lập hồ sơ vay vốn. Được vay vốn, đồng bào DTTS có điều kiện để vươn lên làm giàu.