Từ năm 1950 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính. Trải qua các thời kỳ, cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh cũng có những tên gọi khác nhau như: Chi cục Định canh định cư (từ 1986 đến năm 2000, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Phòng Tôn giáo - Dân tộc và miền núi (từ năm 2000 đến năm 2004, thuộc Văn phòng UBND tỉnh); Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc (từ 09/8/2004 đến tháng 4/2008); Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc (04/4/2008 đến nay).
Từ năm 2004 đến nay, Ban Dân tộc đã 4 lần được UBND tỉnh tặng “Cờ thi đua” (năm 2007, 2011, 2015, 2021), 1 lần được Ban Tôn giáo Chính phủ tặng “Cờ thi đua xuất săc” (năm 2005); 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2011, 2019); năm 2012 được Chính phủ tặng “Cờ thi đua xuất sắc”; năm 2013 được Nhà nước tặng Huân chương lao động Ba. Nhiều phòng, bộ phận chuyên môn của Ban Dân tộc hằng năm cũng đã được tặng “Cờ thi đua” của UBND tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và của Chủ tịch UBND tỉnh.
20 năm qua, mặc dù có biến động về cơ cấu tổ chức, nhưng từ khi thành lập đến nay dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc, sự phối kết hợp các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, Ban Dân tộc Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả như: Chương trình 135, Chương trình 134; chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK, theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg; chính sách về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg và Quyết định 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, truyền thông, trợ giúp pháp lý…
Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc đã tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ 2021-2025,
Các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả, nhiều tuyến đường được mở mới đến thôn của các xã vùng miền núi; văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được cải thiện; giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả đáng khích lệ; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm; đời sống vật chất của đồng bào từng bước được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố…
Những kết quả trên đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng DTTS&MN của tỉnh. Giai đoạn 1997-2005 tỉnh Vĩnh Phúc có 06 xã ĐBKK; giai đoạn 2006-2013, còn 03 xã ĐBKK, 18 thôn ĐBKK thuộc 14 xã KVII; Giai đoạn 2014-2016, còn 01 xã ĐBKK (Yên Dương), 07 thôn thuộc 2 xã KVII (Đạo Trù, Bồ Lý); Giai đoạn 2017-2020, chỉ còn 03 thôn ĐBKK thuộc xã Đạo Trù.
Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn ĐBKK, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS&MN giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Phúc có 40 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc và miền núi, trong đó có 29 xã khu vực I, 11 xã khu vực II, không còn xã khu vực III, có 03 thôn ĐBKK.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn có 11 xã, thị trấn thuộc khu vực I. Hiện nay, 100% số xã vùng đồng bào DTTS&MN đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,52% năm 2011 xuống còn 2,7 % năm 2020 và đến hết năm 2023 còn 1,09% (tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh là 0,69%)…
Từ năm 2021 đến nay, Vĩnh Phúc không còn xã, thôn ĐBKK, là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Tuy nhiên, vùng DTTS&MN của tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với các vùng khác của tỉnh… Nhiệm vụ của công tác dân tộc trong giai đoạn tới, đặt ra cho Cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở trách nhiệm lớn, cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác dân tộc, nâng cao chất lượng tham mưu, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được giao.
Trước mắt, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và đặc biệt là tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Về lâu dài, là cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh, Ban Dân tộc Vĩnh Phúc cũng xác định cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc phù hợp với từng khu vực, địa bàn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào vùng DTTS miền núi. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, nâng cao trình độ phát triển để xóa dần khoảng cách chênh lệch giữa vùng miền núi với vùng đồng bằng; chung tay cùng các cấp, các ngành xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng văn minh và giàu đẹp.
Ngày 28/12/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 55/2023/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Ban gồm 2 phòng, bộ phận: Phòng Chính sách Dân tộc, Văn phòng. Đối với cấp huyện: huyện Tam Đảo có Phòng Dân tộc, 4 huyện, thành phố (Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Phúc Yên) công tác dân tộc được giao cho Văn phòng HĐND&UBND triển khai thực hiện; cấp xã bố trí 1 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác dân tộc.