Vĩnh Linh (Quảng Trị), một thời là tiền tiêu của hậu phương miền Bắc, một thời hứng chịu những khốc liệt nhất của cuộc chiến hủy diệt mà Mỹ-Diệm trút xuống. Có lẽ vì thế mà kí ức thời lửa đạn vẫn rõ ràng, mồn một, theo suốt cuộc đời bao người về những ngày gùi đạn, tải thương… bên dòng vĩ tuyến.
Đánh địch trên đồng đất quê hương
Đầu năm 1955, một vùng phi quân sự được thành lập hai bên dòng Bến Hải, kiểm soát việc thông thương, đi lại của Nhân dân hai miền. Bên này bờ Bắc là huyện Vĩnh Linh, còn bên kia bờ Nam là huyện Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Sẽ chẳng có gì để nói nếu bờ Nam không trở mặt, bắt đầu chuỗi hành động chống phá hiệp định. Từ đây, một cuộc đấu tranh đòi chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình giữa những chiến sĩ cách mạng ở bờ Bắc, bờ Nam đã diễn ra dai dẳng, quyết liệt…
Ngồi kể lại quãng thời gian cùng đội dân quân xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh), làm nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, chở bộ đội vượt sông trên dòng Bến Hải, bà Nguyễn Thị Dậu đã vẽ nên trong trí tưởng tượng chúng tôi, về một thời khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh.
Thuở ấy, Mỹ-Diệm với dã tâm biến Vĩnh Linh và miền Bắc trở lại thời kì đồ đá, nên đã ra sức ném bom đạn với tần suất hủy diệt. Bà Dậu bấm ngón tay: Hơn nửa thế kỉ rồi còn gì. Bất chấp hiểm nguy vì bom đạn trút xuống như vãi trấu, đêm đêm chúng tôi vẫn cùng bộ đội, dân quân lặng lẽ vượt sông trên những con thuyền nhỏ sang bờ Nam, trà trộn vào lòng địch để đánh địch. Đầu đêm xuất quân, gần sáng lại trở về, rồi cho chìm thuyền xuống sông để ngụy trang; cứ thế suốt nhiều năm liền.
Thuở ấy, dòng Bến Hải không lúc nào yên tĩnh. Hàng triệu tấn đạn bom Mỹ-Diệm đã trút xuống vùng đất giới tuyến khiến khúc sông quặn thắt. Đêm xuống, dòng sông trở nên sục sôi khí thế đánh Mỹ trên những chuyến đò nhỏ chở quân, chở đạn hối hả vượt sông.
Tham gia du kích địa phương từ những ngày đầu Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, ông Lê Đa Kiểu ở làng Linh Hải, xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) không bao giờ quên kí ức ngày Mỹ-Diệm phá làng, đánh xóm.
Trong câu chuyện với chàng dũng sĩ bắn rơi máy bay F4H của không quân Mỹ, những ngày trận mạc đã hiện lên không chỉ khốc liệt mà còn thấm đẫm niềm tự hào.
Ông Kiểu nhớ rành rẽ: Tôi nhập ngũ, tham gia dân quân du kích tháng 7/1955. Đến năm 1966 thì chuyển sang đại đội pháo 12 li 7 đóng quân tại địa phương. Chúng tôi vừa lao động sản xuất, vừa cầm súng đánh giặc ngay chính trên quê hương mình. Hỏa lực của địch rất mạnh, có máy bay, pháo, ca nô yểm trợ; còn chúng tôi thì dựa vào núi rừng, xóm làng để đánh địch.
Nay đã ở tuổi 96, sức khỏe của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Văn Đo ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) đã yếu đi nhiều. Nhưng khi được chúng tôi hỏi về những tháng ngày tham gia dân quân, du kích đánh Mỹ ngay chính trên đồng đất quê hương, ông Đo trở nên hoạt bát hơn.
Cuộc chuyện trò giữa hai thế hệ vẫn sôi nổi, như thể thuở đôi mươi ông Đo tòng quân đánh Mỹ. Ông Đo hào hứng: Thời ấy, ai cũng là dân quân, du kích cả. Còn người già và trẻ nhỏ thì đã sơ tán ra Bắc cả. Giai đoạn ấy khốc liệt đến mức, chẳng ai nghĩ mình có thể sống sót cho đến hôm nay.
Không thể nhớ hết, kể hết bao câu chuyện bền gan, vững chí về những đội quân “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” thuở ấy. Nay, những con người của những đội quân ấy đã kẻ mất người còn. Dẫu vậy thì kí ức những ngày đất nước chia cắt và những câu chuyện gùi đạn, tải thương… dọc theo sông Bến Hải thì vẫn vẹn nguyên, neo đậu vững chắc trong tâm khảm bao người.
Những cuộc đấu “kì lạ”
Trước tình hình chiến sự vùng giới tuyến ngày càng phức tạp, Chính phủ đã ra Nghị định số 551 ngày 16/6/1955 thành lập Đặc khu Vĩnh Linh. Vùng đất giới tuyến thời ấy, không chỉ là những cuộc đấu súng; mà còn là cuộc đấu cờ, đấu loa, đấu màu sơn… hay là những cuộc đấu trí của những chiến sĩ công an bờ Bắc với lực lượng bờ Nam.
Thời ấy, tình hình vùng giới tuyến rất căng thẳng. Mỹ Diệm cho quân quấy nhiễu, phá hoại hiệp định bằng nhiều chiêu trò. Những cuộc địch vận, đấu trí của những chiến sĩ bờ Bắc diễn ra đầy khôn khéo, cương quyết. Người chiến sĩ giới tuyến được tuyển chọn phải có lập trường chính trị vững vàng, không những tinh thông nghiệp vụ mà còn có lí luận sắc bén, khả năng ứng đối nhanh nhạy, kịp thời.
Ngay cuộc “đấu cờ”, cũng có bao điều li kì. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, ngày 20/7/1954, Vĩnh Linh dựng một cột cờ bằng cây phi lao, cao 12 mét. Bên kia, ngụy quyền Sài Gòn cắm cờ ba que lên nóc lô cốt Xuân Hòa, cao 15 mét. Công an vũ trang Vĩnh Linh chặt từ Rú Lịnh một cây gỗ 15 mét thay thế. Tức khí, ngụy quyền lại dựng cột cờ sắt cao 25 mét. Ngày 17/7, ta lại dựng cột cờ khác, cũng bằng sắt, cao 34,5 mét. Địch lại hò hét lính xây cột cờ cao 35 mét, gắn thêm mấy bóng đèn nê-on xanh lét như trêu ngươi.
Năm 1962, Chính phủ cử một đơn vị xây dựng vào Vĩnh Linh, xây nên một kỳ đài cao 38,6 mét, treo lá cờ rộng 108 mét vuông, trên đỉnh gắn ngôi sao vàng bằng đồng, mỗi đỉnh ngôi sao gắn chùm bóng đèn 3 cái công suất 500w. Cuộc chiến “chiều cao cột cờ” đến đây ngã ngũ. Địch cay cú mà đành chịu. Cuối cùng chúng dùng đến hạ sách hèn hạ nhất, là dội bom để đánh sập kỳ đài.
Từ năm 1965 - 1967, 11 lần bom Mỹ đánh trúng kỳ đài, khiến cột cờ gãy, thì 11 lần ta lại dựng lên. Với 42 lần thay lá cờ. gần 2.000 lá cờ Tổ quốc bị bom đạn địch và gió bão xé rách, nhưng chưa một ngày nào chiến sĩ ta để lá cờ ngưng bay trên đỉnh cột, chưa một lần vắng bóng cờ Tổ quốc ở đầu cầu giới tuyến.
Rồi cách sơn màu trên cầu Hiền Lương cũng vậy. Địch muốn màu sơn rạch ròi khác biệt nhưng ta không chịu. Địch sơn nửa cầu Nam màu xanh, ta cũng sơn nửa Bắc màu xanh, địch sơn màu vàng, ta lại sơn vàng. Cầu Hiền Lương phải một màu, như Nam - Bắc Việt Nam phải một nhà.
Cuộc “truy đuổi” màu sắc cây cầu cứ thế diễn ra năm này qua năm khác. Cuối cùng, lại cái cách hèn hạ của kẻ đuối lý nhưng ỷ mạnh, năm 1967, địch mang bom đánh sập cầu.
Hay câu chuyện “đấu loa” cũng không kém phần căng thẳng. Ngụy quyền lập một hệ thống phát thanh lớn ở bờ Nam, trong đó trọng điểm là 6 chiếc xe truyền thanh lưu động, đêm ngày nói xấu chế độ Xã hội chủ nghĩa.
Đáp trả, với sự giúp đỡ của Liên Xô, ta xây dựng một hệ thống loa hiện đại nhất miền Bắc lúc ấy chạy dọc 10 km bờ Bắc sông, từ Cửa Tùng lên Hói Cụ, trong đó có 4 cụm loa lớn đặt ở Cổ Trai (Vĩnh Giang), Hiền Lương (Vĩnh Thành), Huỳnh Thượng và Tiên An (Vĩnh Sơn).
Ngoài ra, còn có một xe lưu động gắn chiếc loa cực đại 500W. Qua hệ thống loa giới tuyến truyền đạt rành rọt, tạo nên nguồn cổ vũ động viên lớn lao đối với hàng ngàn đồng bào bờ Nam ngày đêm đang khổ cực trong vùng kìm kẹp tàn bạo của địch.
Tôi cứ nhớ mãi lời cụ ông Lê Đa Kiểu ở làng Linh Hải, xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh). Lời ấy, hẳn đã là mệnh lệnh một thời của quân và dân bên bờ giới tuyến: kẻ địch hèn hạ lắm, giở đủ trò để chia cắt lâu dài hai miền. Nhưng quân, dân đã một lòng một dạ theo Đảng, quyết tâm đánh đuổi địch để mỗi nhà, mỗi người được sum vầy, đoàn tụ. Thế nên, bao chiêu trò của Mỹ-Diệm đã thất bại cay đắng.
Bài 2: Dòng sông giới tuyến