Để phát huy hiệu quả hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Văn Quan đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng tại các đơn vị hành chính cấp xã mới. Đặc biệt, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị sau khi sắp xếp ổn định phải nhanh chóng ban hành, thông qua các nghị quyết, quyết định về nhiệm vụ cụ thể năm 2020, phối hợp giải quyết những thay đổi về sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và các giấy tờ liên quan đến tổ chức, người dân.
Ông Nông Thanh Hoàng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Văn Quan cho biết, từ ngày 1/1/2020 đến nay, 5 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành ở huyện đều hoạt động ổn định và phát huy hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Trong tổng số 5 xã được sắp xếp lại, đã có 3 đơn vị được lựa chọn triển khai thí điểm sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã (Hữu Lễ, Tú Xuyên và thị trấn Văn Quan). Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giảm 16 người khi thực hiện sắp xếp lại. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khối phố giảm 150 người. Bên cạnh đó, có 3 xã thực hiện chủ trương Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.
Tuy nhiên, khó khăn nhất mà các đơn vị hành chính đang gặp phải đó là, việc giải quyết vướng mắc về dư thừa cán bộ, công chức xã. Minh chứng như tại xã An Sơn, được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã Chu Túc, Đại An, Tràng Sơn, số lượng cán bộ dư 2 người. Cán bộ chuyên trách các lĩnh vực như: Thống kê, tư pháp, văn hóa… cũng đều bị dôi dư mỗi vị trí 2 người.
Để ổn định bộ máy tổ chức, huyện Văn Quan đã rà soát, bố trí, sắp xếp được 185 cán bộ, công chức công tác tại 5 đơn vị hành chính cấp xã mới, số còn lại được bố trí sang các xã, thị trấn còn thiếu biên chế, hoặc giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm, hoặc thôi việc theo quy định.
Bên cạnh đó, các xã sau khi được sáp nhập, giảm nhiều biên chế, một số nhân sự không thể bố trí được vị trí việc làm; khối lượng công việc của cán bộ bán chuyên trách ở xóm, thôn tăng lên, địa bàn mới, đội ngũ cán bộ phải đi làm xa; việc sử dụng cơ sở hạ tầng như: Nhà văn hóa, trụ sở làm việc… chưa hợp lý, có nơi thừa, có nơi lại thiếu, đội ngũ chuyên trách giảm thì người kiêm nhiệm khối lượng công việc tăng lên, trong khi đó các chế độ, chính sách vẫn không có thay đổi… ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công việc. Đây cũng là tình trạng chung của cả nước, không riêng gì huyện Văn Quan.
Thiết nghĩ, để nhanh chóng ổn định, nâng cao hiệu quả điều hành chỉ đạo của các tổ chức cơ sở sau sáp nhập, các địa phương cần sớm giải quyết những tồn tại đã được chỉ rõ trên; trong đó, chú trọng chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư. Theo hướng dẫn tại Thông tư số 13/2019/TT-BNV đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp được hỗ trợ 1 lần, tuy nhiên các địa phương cũng nên có chính sách riêng để hỗ trợ đội ngũ này.