Theo số liệu của Bộ Nội vụ, hết năm 2019, cả nước có khoảng 100 nghìn thôn, tổ dân phố; giảm hơn 30 nghìn thôn, tổ dân phố so với thời điểm năm 2017. Số lượng thôn, tổ dân phố giảm đã làm giảm khoảng 150 nghìn cán bộ không chuyên trách ở cấp cơ sở, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, vừa góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Kết quả của việc sắp xếp lại thôn, tổ dân phố trên cả nước như hiện nay là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân. Bởi thực tế, khi triển khai sắp xếp, rất nhiều vướng mắc đã phát sinh.
Đặc biệt là, với các địa phương vùng DTTS và miền núi, do phong tục tập quán của các dân tộc khác nhau; nên việc lựa chọn tên gọi thôn; việc sử dụng, quản lý các công trình hạ tầng cơ sở, thiết chế văn hóa như thế nào; việc triển khai các chế độ, chính sách dành cho thôn ĐBKK ra sao… thực sự là những vấn đề nan giải, đang được các cấp chính quyền nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ.
Trong những vấn đề vướng mắc từng bước được tháo gỡ, vấn đề đang làm khó chính quyền địa phương nhất là việc thực hiện chế độ chính sách cho thôn ĐBKK sau khi sáp nhập; nhất là trong tình huống sáp nhập thôn ĐBKK với thôn không ĐBKK. Khi đó, nhiều thôn ĐBKK sẽ vô tình “thoát nghèo” do không đáp ứng được các điều kiện “cần và đủ”, nhất là tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Không được công nhận là thôn ĐBKK, người dân sẽ không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư hiện hành như: Chương trình 135; Nghị định số 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng ĐBKK; Nghị định số 06/2018/ NĐ-CP ngày 7/5/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non… Đặc biệt, việc giảm số thôn ĐBKK sẽ dẫn đến giảm số xã khu vực III được thụ hưởng chính sách theo Chương trình 135.
Như Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 359 thôn ĐBKK thụ hưởng Chương trình 135 và một số chính sách hiện hành của Nhà nước. Sau khi sắp xếp lại, hiện Quảng Nam chỉ còn 261 thôn đủ điều kiện là thôn ĐBKK; 98 thôn còn lại được công nhận “thoát nghèo” vì sáp nhập vào các thôn không ĐBKK khác. Đồng thời, toàn tỉnh cũng giảm 10 xã khu vực III được thụ hưởng Chương trình 135 so với thời điểm trước khi sáp nhập thôn bản.
Trong năm 2019, Ủy ban Dân tộc đã nhận được công văn của Ban Dân tộc các tỉnh (Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai, Yên Bái…) đề nghị hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với các thôn ĐBKK sau khi sắp xếp, sáp nhập, đổi tên. Theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, trước mắt, việc áp dụng các chế độ, chính sách cho các đối tượng trên địa bàn tiếp tục thực hiện theo danh sách thôn ĐBKK theo Quyết định 582 cho đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh sách thôn ĐBKK, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I trong giai đoạn mới.
Thực tế, các chính sách đầu tư, hỗ trợ xã, thôn ĐBKK có tác động rất lớn trong phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện sống người dân. Do vậy, cùng với việc tiếp tục thực hiện các chính sách theo quy định hiện hành ở các thôn theo Quyết định 582 cho đến khi có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần linh hoạt trong việc xây dựng, tổ chức ban hành, triển khai những chính sách hỗ trợ thôn bản sau khi sáp nhập một cách phù hợp với thực tiễn địa phương.