Theo ông Nông Văn Lút, Trưởng thôn Pá Cáy, nội dung tuyên truyền trên pa nô dễ hiểu, dễ thuộc, đặt ở vị trí thuận tiện quan sát, có ý nghĩa nâng cao nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo Giúp Nhân dân tiếp cận các thông tin cơ bản
Thôn Pá Cáy, xã Thụy Hùng có 62 hộ, 267 nhân khẩu, chủ yếu là người Nùng, Tày; kinh tế trong thôn chủ yếu là nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao; nhưng từ khi triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đời sống Nhân dân đã thay đổi rõ rệt.
Dẫn chúng tôi đến thăm Nhà văn hóa thôn, ông Nông Văn Lút, Trưởng thôn Pá Cáy cho biết: Nhà văn hóa thôn được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, loa đài, là nơi sinh hoạt, hội họp của người dân trong thôn. Đây chính là nơi thông tin về những chính sách mới của Đảng và Nhà nước, nhất là các chương trình truyền thông định hướng cho người dân như: tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới…
Ở giữa Nhà văn hóa thôn treo tấm pa nô tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác giảm nghèo do Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện Văn Lãng trang bị với nội dung: “Giảm nghèo là nghĩa vụ, bổn phận của chính người dân” - “Ý chí tự vươn lên của người nghèo là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững”. Theo ông Lút, nội dung tuyên truyền trên pa nô dễ hiểu, dễ thuộc, đặt ở vị trí thuận tiện, dễ quan sát khi người dân đến sinh hoạt tại Nhà văn hóa.
Những năm qua, nhờ nắm bắt được các thông tin, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thôn chủ động đăng ký tham gia các dự án hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi như: hỗ trợ bò, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, được tham gia các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn chăn nuôi…
Năm 2025, thôn có 14 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó xây mới 5 nhà, 9 nhà sửa; hưởng ứng phong trào thi đua “Văn Lãng cùng cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, do huyện phát động, xã, thôn đã vận động, huy động các hộ dân trong thôn giúp nhau tháo dỡ, san lấp mặt bằng (mỗi gia đình 1 người) để giảm chi phí cho hộ nghèo, phấn đấu hoàn thành nhà ở cho các đối tượng được hỗ trợ trước ngày 30/6.
Hiện nay, nhà văn hóa các thôn trên địa bàn huyện Văn Lãng đều được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, loa đài, là nơi sinh hoạt, hội họp của người dân trong thônTheo Chủ tịch UBND xã Thụy Hùng - Âu Hồng Ân, những năm qua, Thụy Hùng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo; tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện lắp đặt 12 cụm loa truyền thông tại 7/7 thôn; lắp đặt pa nô giảm nghèo tại nhà văn hóa các thôn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về công tác giảm nghèo, chính sách giảm nghèo tại các hội nghị của xã, các cuộc họp thôn… Nhờ đó, đã truyền tải, lan tỏa rộng hơn các thông tin về chương trình, chính sách giảm nghèo đến với người dân.
Đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo
Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, ngoài số vốn sự nghiệp ngân sách trung ương phân bổ (19 tỷ 074 triệu đồng, giai đoạn 2021-2024), UBND huyện Văn Lãng đã lồng ghép các nguồn vốn như nguồn vốn ngân sách huyện, vốn xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Văn Lãng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất tạo mặt bằng, đóng góp ngày công lao động để xây dựng công trình trên địa bàn. Nhờ đó đã góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra. Theo đó, năm 2023, hộ nghèo còn 1.025 hộ, tỷ lệ 7,53%, giảm 3,11% so với năm 2022; năm 2024, hộ nghèo còn 616 hộ, tỷ lệ 4,53%, giảm 3% so với năm 2023.
Bà Hứa Quỳnh Nga, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Văn Lãng cho rằng, việc triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 6 về truyền thông và giảm nghèo về thông tin có ý nghĩa quan trọng giúp Văn Lãng đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trìnhTheo bà Hứa Quỳnh Nga, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học thông tin huyện Văn Lãng, việc đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cho thấy, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 6) là vô cùng quan trọng; góp phần nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa, các nội dung hoạt động của Chương trình.
Theo đó, thực hiện Tiểu dự án 1, Giảm nghèo về thông tin, giai đoạn 2021-2024 huyện Văn Lãng phân bổ đã 1 tỷ 755 triệu đồng. Với nguồn vốn được giao, huyện đã triển khai thực hiện các nội dung sau: Sản xuất mới các tác phẩm báo chí, sản phẩm truyền thông khác để cung cấp nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội; tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng cung cấp thông tin, viết tin, bài và quản trị Cổng/Trang thông tin điện tử huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; sửa chữa, thay thế thiết bị loa truyền thanh FM đã bị hư hỏng, đồng bộ với hệ thống truyền thanh IP đã thiết lập năm 2023 tại hai xã Hồng Thái, Nhạc Kỳ…
Giai đoạn 2021-2024, Văn Lãng cũng phân bổ 299 triệu đồng để thực hiện Tiểu dự án 2 về Truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Theo đó, Văn Lãng triển khai thực hiện các nội dung: In 16.000 tờ rơi với nội dung chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 và tờ rơi quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm để tuyên truyền cho người dân biết và cùng tham gia. Xây dựng triển khai lắp đặt 8 pa nô cỡ lớn truyền thông về giảm nghèo cấp cho 8 xã vùng III, lắp đặt 161 pa nô cỡ nhỏ tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo năm 2024 lắp đặt tại nhà văn hóa tại các thôn, khu phố của 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và tham gia hội thi Tuyên truyền viên giỏi về công tác giảm nghèo tỉnh Lạng Sơn năm 2024…
Pa nô cỡ lớn truyền thông về giảm nghèo được bố trí ở nơi dễ nhìn, dễ thấy, góp phần nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèoNhằm triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng - Bế Thị Vẫn xác định: Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; vận động các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, định hướng cơ quan truyền thông trên địa bàn huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của huyện; thông tin về chính sách, các cá nhân, tổ chức, mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, các cách làm ăn hiệu quả để kịp thời biểu dương, khen thưởng; tổ chức thực hiện tốt việc đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới; tăng cường thời lượng, quan tâm đến chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về người nghèo nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.