PV: Xin Phó Chủ tịch cho biết đặc điểm tình hình vùng đồng bào DTTS và tầm quan trọng trong việc triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện?
Bà Bế Thị Vẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Lãng: Huyện miền núi biên giới Văn Lãng, có 17 đơn vị hành chính (16 xã và 1 thị trấn); trong đó có 5 xã biên giới tiếp giáp với Thị Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây, Trung Quốc. Huyện có 8 xã và 1 thị trấn thuộc khu vực I; có 8 xã khu vực III; 161 thôn, khu phố và có 54 thôn đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện trên 50 nghìn người, có 4 dân tộc chủ yếu là Tày, Nùng, Kinh, Hoa và một số ít dân tộc khác cùng sinh sống. Theo kết quả sơ bộ điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024: hộ nghèo 616 hộ, chiếm tỷ lệ 4,53%, giảm 3% so với năm 2023; hộ cận nghèo 1.278 hộ, chiếm tỷ lệ 9,39%.
Với tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào các xã biên giới, do đó việc thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giữ vững lòng dân, để người dân tin vào đường lối của Đảng, Nhà nước, nỗ lực cùng Nhà nước giữ gìn biên giới quốc gia.
PV: Việc triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện được thực hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Bế Thị Vẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Lãng: Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, do đó, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện được thực hiện tích cực, trong quá trình triển khai kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, báo cáo, kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành kịp thời tháo gỡ.
Ủy ban Nhân dân huyện đã chủ động tích cực, tổ chức triển khai quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ về giảm nghèo; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan tham mưu trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện.
Tính đến thời điểm hiện tại, các văn bản hướng dẫn của Trung ương cơ bản đã đầy đủ, làm cơ sở để triển khai thực hiện và góp phần đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án.
PV: Xin bà chia sẻ thêm về việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn vốn và hiệu quả của việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn huyện?
Bà Bế Thị Vẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Lãng: Giai đoạn 2021 - 2024, ngân sách Trung ương phân bổ vốn sự nghiệp cho Chương trình, là 19 tỷ 074 triệu đồng (trong đó năm 2022 là 3 tỷ 878 triệu đồng; năm 2023 là 8 tỷ 758 triệu đồng; năm 2024 là 6 tỷ 438 triệu đồng). Vốn huy động từ nguồn cho vay tín dụng ưu đãi, với 4.729 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo vay vốn, nguồn vốn cho vay 303 tỷ 854 triệu đồng.
Từ nguồn vốn trên, huyện Văn Lãng triển khai thực hiện 5 dự án, gồm: Dự án 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3 về Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án 6 về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7 về Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa kinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững…
Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mỗi năm từ 3% trở lên: kết quả năm 2021, hộ nghèo 1.892 hộ, tỷ lệ 15,01%; năm 2022, hộ nghèo 1.334 hộ, tỷ lệ 10,64% giảm 4,47% so với năm 2021; Năm 2023 hộ nghèo 1.025 hộ, tỷ lệ 7,53% giảm 3,11% so với năm 2022.
Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội có những kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế chủ yếu bình quân hằng năm đạt 7,05%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 là 62,4%. Tạo thêm nhiều việc làm mới cho hàng ngàn người lao động: năm 2021 là 650 lao động đạt 68,4% kế hoạch; năm 2022 là 816 lao động, đạt 102% kế hoạch; năm 2023 là 824 lao động, đạt 103% kế hoạch…
Có thể đánh giá, Chương trình đã thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin…), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả huyện từ 3% trở lên.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!