Nhiều bất cập trong giải quyết đất sản xuất
Từ năm 2017, Báo Dân tộc và Phát triển đã có bài phản ánh, với tiêu đề: Bao giờ hộ nghèo ở Canh Thuận được cấp đất sản xuất? Nội dung chỉ rõ những sai phạm của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai QĐ 755 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK).
Cụ thể, UBND huyện Vân Canh, phê duyệt phương án hỗ trợ giao đất sản xuất cho một số hộ dân không đúng quy định, đẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng niềm tin của đồng bào DTTS trên địa bàn xã Canh Thuận trong thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong khi đó, chính quyền xã Canh Thuận không thực hiện đúng quy trình cũng như phương án hỗ trợ đất sản xuất cho người dân, lơ là trong công tác kiểm tra, giám sát, để cán bộ tự ý làm trái quy định để trục lợi từ chính sách, khiến người dân bức xúc. Sau khi báo đăng, các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã vào cuộc điều tra và những cán bộ liên quan đã bị xử lý kỷ luật, có người bị truy tố trước pháp luật.
Điều đáng nói là đến thời điểm hiện nay, những hộ có trong danh sách được nhận đất và tiền hỗ trợ vẫn chưa được nhận. Trong khi đó, diện tích đất dự kiến cấp cho người dân hầu hết bị lấn chiếm, sản xuất trái phép, nhưng chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp xử lý.
Ông Chăm So Diệp ở làng Kà Xiêm, xã Canh Thuận cho hay: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, không có đất ản xuất. Từ năm 2015, tôi có khai hoang một số diện tích để trồng keo thì chính quyền xã không cho trồng và tiến hành nhổ bỏ cây keo của gia đình tôi, với lý do diện tích đất này đang đo đạc để triển khai dự án theo QĐ 755. Nghĩ rằng, mình thuộc đối tượng dự án, nên tôi chấp hành và chờ chính quyền cấp đất để sản xuất. Thế nhưng đến nay, gia đình tôi vẫn chưa có đất để sản xuất, đời sống vẫn rất khó khăn. Tôi đã nhiều lần khiếu nại nhưng chưa được giải quyết".
Tương tự, gia đình ông Đoàn Văn Nhảy, ở làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận cũng thuộc diện cấp đất sản xuất theo QĐ 755, nhưng vẫn chưa được cấp. Ông Nhảy bức xúc: Những người nghèo như chúng tôi ngày đêm mong chờ được cấp đất sản xuất để cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo thì không được giải quyết. Năm 2015, tôi có phát dọn khoảng 1 ha để trồng keo thì chính quyền không cho khai thác. Trong khi đó, nhiều người không nằm trong danh sách được cấp đất thì lại tự ý lấn chiếm để sản xuất nhiều năm nay, chính quyền địa phương vẫn im lặng, không có động thái gì.
“Đá bóng” trách nhiệm
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã về địa phương để ghi nhận thực tế. Đúng như người dân phản ánh, hầu hết diện tích để triển khai QĐ 755 đã bị lấn chiếm để trồng keo. Theo tìm hiểu của phóng viên, để giải quyết tình trạng này, ngày 11/5/2021, UBND huyện Vân Canh có Công văn số 628/UBND, yêu cầu xã Canh Thuận rà soát đối tượng, diện tích lấn chiếm đất để giao cho các hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất theo QĐ 755 và đề xuất hướng giải quyết.
Thực hiện chỉ đạo của huyện, chính quyền xã Canh Thuận đã rà soát và có báo cáo số 38/BC-UBND ngày 31/5/2021, xác định có 12 hộ đã lấn chiếm diện tích hơn 20 ha trồng keo từ năm 2015 - 2017.
Xã cũng đề xuất hướng xử lý là để cho các hộ lấn chiếm được chăm sóc cây keo đã trồng đến năm 2023, thu hoạch trả lại đất cho UBND xã. Đồng thời, xã tiến hành lập các thủ tục giao đất cho các hộ theo đề án đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phương án cấp đất cho người dân vẫn đang bế tắc, chính quyền địa phương thì lúng túng và “đá bóng” trách nhiệm. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Minh Toàn - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận chia sẻ: Trong quá trình thực hiện quy hoạch khai hoang đất rừng sản xuất, cấp cho hộ nghèo theo QĐ 755 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong Nhân dân về số hộ hưởng lợi, vị trí quy hoạch.
Khi thực hiện khai hoang, nhiều hộ đã lấn chiếm trồng cây, với lý do nương rẫy cũ của mình nên không đồng ý để UBND xã giao cho người khác. UBND xã đã làm việc nhiều lần tại thời điểm đó nhưng các hộ không đồng tình và tồn tại đến nay.
“Thời gian gần đây, chúng tôi tiếp tục mời những hộ dân lấn chiếm đất lên làm việc nhưng chỉ có một số hộ đến và cũng không hợp tác với chính quyền. Chúng tôi đang chờ UBND huyện chỉ đạo cụ thể, giải quyết thấu đáo để ổn định tình hình tại địa phương”, ông Toàn chia sẻ thêm.
Còn ông Sô Lan Tài - Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Canh cho rằng: Những bất cập trong quá trình thực hiện QĐ 755 tại xã Canh Thuận đã thấy rõ, ai sai phạm thì cũng đã bị xử lý. Với chức năng cơ quan chuyên môn thực hiện chính sách dân tộc, tôi cho rằng, UBND huyện Vân Canh cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng lấn chiếm đất, tiến hành đo đạc lại diện tích đất, xác minh hoàn cảnh những hộ dân được thụ hưởng để bảo đảm giao đất đúng đối tượng, tránh sai sót như trước đây.
Trong khi đó, ông Phan Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Huyện đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo UBND xã Canh Thuận, phối hợp với các ngành chức năng nhanh chóng xử lý dứt điểm những tồn tại để cấp đất cho người dân. Tuy nhiên, xã Canh Thuận vẫn chưa làm quyết liệt, chưa có báo cáo hướng giải quyết cụ thể.
“Để sự việc này kéo dài, trách nhiệm chính là UBND xã Canh Thuận. Địa phương phải làm dứt điểm, khó khăn ở đâu, vướng mắc ở đâu phải có báo cáo cụ thể thì huyện mới mới có ý kiến chỉ đạo được”, ông Cường khẳng định.
Trong khi chính quyền địa phương “đá bóng” trách nhiệm qua lại, thì người dân nghèo vẫn dài cổ chờ được cấp đất. Thiết nghĩ, các ngành chức năng huyện Vân Canh cần nhanh chóng giải quyết những tồn tại để người dân có đất sản xuất, ổn định cuộc sống, trách bức xúc trong dân kéo dài.