Bài 1: Vòng xoáy “có rồi không”!
Được cấp đất sản xuất nhưng đất quá xấu, không thể canh tác; có đất nhưng vì thiếu tiền chi phí cho sinh hoạt và sản xuất nên đem chuyển nhượng, cầm cố…, đây là những nguyên nhân khiến cho không ít hộ đồng bào DTTS luôn luẩn quẩn trong đói nghèo.
Đất có, khó canh tác
Từ năm 2003, các tỉnh khu vực Tây Nguyên bắt đầu thực hiện chính sách cấp đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất theo Quyết định 132/2002/QĐ-TTg ngày 08/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do đất được giao quá xấu, lại xa nơi ở nên nhiều diện tích đất sản xuất được cấp từ đó đến nay vẫn bị bỏ hoang, hoặc canh tác cầm chừng.
Để tìm hiểu vấn đề, Lê Hường, phóng viên thường trú Báo Dân tộc và Phát triển tại khu vực Tây Nguyên đã tìm về buôn Ea Kmăt, xã Hòa Đông (Krông Păk, Đăk Lăk). Năm 2003, thực hiện Quyết định 132/2002/QĐ-TTg, gần 30 hộ dân của buôn Ea Kmăt đã được cấp đất sản xuất ở buôn Ea Nông B, xã Vụ Bổn, huyện Krông Păk. Nhưng canh tác được vài tháng, hầu hết các hộ được cấp đất đã trở về buôn Ea Kmăt vì đất ở Ea Nông B quá xấu, không thể canh tác được; tính đến tháng 7/2018 chỉ còn 7 hộ bám trụ lại Ea Nông B.
Năm 2003, gia đình anh Y Son Êban được cấp 4 sào rẫy và 3 sào ruộng ở buôn Ea Nông B. Anh trồng đậu và lúa nhưng năng suất rất kém do thiếu nước, đất lại cằn cỗi. Khi về thôn để sản xuất, vợ chồng anh Y Son Êban đều phải mang theo đồ ăn và nước uống vì nước ở Ea Nông B bị nhiễm phèn.
Cũng vì thế mà từ khi được cấp đất đến nay, thu nhập của gia đình Y Son Êban đều dựa vào 2 sào rưỡi trồng cà phê và tiêu tại buôn Ea Kmăt. Ngoài làm rẫy, vợ chồng anh còn đi làm thuê mới có thể đủ trang trải cuộc sống.
Còn ông Y Thúc, năm nay đã 70 tuổi, gia đình đông con nên vẫn cố bám trụ lại buôn Ea Nông B để sản xuất. Được cấp 5 sào rẫy thì ông phải bỏ hoang 2 sào vì đất toàn sỏi đá; 3 sào còn lại ông trồng sắn, mỗi năm thu được khoảng 3 tạ, trừ hết chi phí thì chỉ lãi được 2 triệu đồng. Không trông chờ được vào đất rẫy, mọi người trong gia đình ông đi làm cỏ thuê, bốc vác hay hái cà phê với tiền công 130 nghìn đồng/ngày để trang trải cuộc sống.
Tương tự buôn Ea Nông B, ở một số địa phương khác của Tây Nguyên cũng xảy ra tình trạng đất được cấp nhưng không thể canh tác. Như ở xã Tân Sơn (TP. Pleiku, Gia Lai), năm 2005, 103 hộ được cấp đất sản xuất theo Quyết định 132/2002/QĐ-TTg và Quyết định 134/204/QĐ-TTg nhưng cũng bỏ hoang từ đó đến nay vì đất quá xấu, thiếu nguồn nước, xa nơi ở của người dân. Tương tự, 190 hộ dân ở làng Mơ Nú, xã Chư Á (TP. Pleiku, Gia Lai) cũng được cấp đất sản xuất, nhưng trên thực tế không được hưởng lợi do đất không canh tác được…
Bán đất được cấp theo chính sách
Không chỉ riêng khu vực Tây Nguyên mà ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều diện tích đất sản xuất được cấp theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg và Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS cũng chưa phát huy tác dụng. Được cấp đất nhưng nhiều hộ buộc phải bỏ hoang, đi làm thuê kiếm sống vì đất canh tác xấu, điều kiện sinh hoạt lại thiếu thốn.
Như ở ấp 5, xã Khánh Tiến (U Minh, Cà Mau), một khu đất rộng 3,2ha được bố trí để ổn định nơi ở, chỗ sản xuất cho 13 hộ đồng bào DTTS. Nhưng do thiếu điện, thiếu đường, thiếu nước sinh hoạt nên chỉ có 7/13 hộ còn bám trụ.
Hay ở ấp Kinh Hãng B, xã Khánh Hưng (Trần Văn Thời, Cà Mau), một khu đất hơn 8ha được mua từ nguồn Quyết định 74/2008/QĐ-TTg, nhằm cấp đất sản xuất lúa 2 vụ cho 24 hộ đồng bào DTTS. Nhưng hiện nay, chỉ còn 3 hộ trực tiếp sản xuất, số còn lại đã cho thuê lại hoặc bỏ hoang…
Cùng với bất cập nêu trên, thời gian qua, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng đồng bào DTTS đem chuyển nhượng, cầm cố đất sản xuất được cấp theo diện chính sách. Hệ lụy là người dân từ chỗ có đất, cuộc sống ổn định cuối cùng phải làm thuê, làm mướn, thu nhập bấp bênh.
Năm 2005, gia đình bà Thị Ốt, dân tộc X’tiêng, ở ấp 7, thôn Thuận Tân, xã Thuận Lợi (Đồng Phú, Bình Phước) được cấp 8 sào đất (1.000m2) theo Chương trình 134. Thiếu tiền chi tiêu, gia đình bà đã “cắm” sổ đỏ để vay 6 triệu đồng; sau đó chồng bị bệnh nên lại phải vay nặng lãi, buộc phải bán 800m2 để trả nợ, chỉ giữ lại 200m2 để ở.
Cũng như gia đình bà Ốt, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bình Phước đã cầm cố hoặc chuyển nhượng đất được cấp theo diện chính sách. Theo kết quả rà soát của các huyện, thị xã mà Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước thống kê được (chưa đầy đủ), tính đến năm 2017, toàn tỉnh có 371 hộ cầm cố, thế chấp đất ở, đất sản xuất. Trong đó có 52 hộ cầm cố, thế chấp đất được cấp theo diện chính cầm cố, thế chấp đất có nguồn gốc Nhà nước cấp hỗ trợ theo các chính sách.
Về số hộ sang nhượng đất ở, đất sản xuất là 270 hộ, với diện tích 148,04ha. Trong đó, có 136 hộ sang nhượng đất có nguồn gốc Nhà nước cấp hỗ trợ theo các chính sách.
Trên đây mới chỉ là những con số mà chúng tôi tìm hiểu được, còn trên thực tế, chắc chắn sẽ không chỉ có bấy nhiêu hộ. Việc cần làm của các địa phương lúc này là tiến hành kiểm kê, đánh giá lại toàn bộ thực trạng sử dụng đất được cấp theo diện chính sách để có phương án phù hợp. Bởi hiện nay, với việc quỹ đất không còn, trong khi việc thu hồi đất từ các nông, lâm trường để giao đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất đang trong tình trạng làm đâu cũng vướng.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bình Phước đã cầm cố hoặc chuyển nhượng đất được cấp theo diện chính sách. Theo kết quả rà soát của các huyện, thị xã mà Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước thống kê được (chưa đầy đủ), tính đến năm 2017, toàn tỉnh có 371 hộ cầm cố, thế chấp đất ở, đất sản xuất. Trong đó, có 52 hộ cầm cố, thế chấp đất được cấp theo diện chính cầm cố, thế chấp đất có nguồn gốc Nhà nước cấp hỗ trợ theo các chính sách.
SỸ HÀO VÀ PV THƯỜNG TRÚ