Vận động người dân xóa bỏ hủ tục
Huyện Than Uyên (Lai Châu) có 21 bản dân tộc Mông. Những năm trước đây, các bản người Mông có tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, nhiều gia đình còn đi theo đạo trái pháp luật, gây nên những bất ổn về an ninh, trật tự.
Chúng tôi về bản Hô Ta (xã Tà Mung), gặp ông Mùa Khua Dơ, 70 tuổi, Người có uy tín trong bản. Bên bếp lửa giữa nhà, ông Dơ kể về cuộc sống trước đây của người Mông ở Tà Mung, ông bảo bà con vất vả lắm, kinh tế khó khăn nhưng khi nhà có đám cưới thì thách cưới 30 - 40 triệu đồng; việc tổ chức tang lễ kéo dài (5-7 ngày) và giết mổ nhiều gia súc, gia cầm rất lãng phí. Bao gia đình cũng vì chuyện này mà nợ nần năm này qua năm khác…
"Có một thời gian, trên địa bàn xảy ra chuyện một số đối tượng còn lợi dụng sự hạn chế hiểu biết của người dân, sự khó khăn, hay gia đình có người bệnh tật đang nằm viện... thì họ sẽ đến thăm cho một ít tiền, hoặc nhu yếu phẩm nhằm lôi kéo đồng bào, bảo họ bỏ bàn thờ không cúng tổ tiên mà đi theo đạo lạ, gây nên những bất ổn an ninh, trật tự ở địa phương…”.
Với vai trò và trách nhiệm của mình, ông Dơ cùng các tổ chức đoàn thể trong bản dưới sự hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền các cấp, mà trực tiếp là Huyện ủy, UBND huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân quay trở lại với văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông, lập lại bàn thờ tổ tiên, thực hiện kí cam kết xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư (cam kết bao gồm 10 nội dung “5 việc không làm, 5 việc phải làm”).
“Nhờ tích cực tuyên truyền nên nhiều hộ gia đình quay lại lập bàn thờ tổ tiên, ông đã hỗ trợ giấy dán bàn thờ và con gà để khuyến khích. Ban đầu nhiều dòng họ vẫn tổ chức việc tang theo nếp cũ, nhưng qua tuyên truyền thì dần dần người dân đã hiểu thực hiện theo bản cam kết của bản để cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Dơ phấn khởi nói.
Rồi ông nói tiếp: Bây giờ ốm thì người dân đã đi trạm xá, bệnh viện huyện để chữa bệnh ; tất cả 11 dòng họ (Giàng, Tráng, Thào, Hảng, Vàng, Cứ, Vừ, Lý, Sùng, Hờ, Mùa) ký cam kết; thực hiện nếp sống mới trong việc tang ma, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo…
Gìn giữ sự bình yên của bản làng
Trước tập quán dùng súng để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng, gây nên nhiều hệ lụy trong quá trình tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong Nhân dân, Người có uy tín Hoa Phò Ngành, dân tộc Khơ Mú, bản Xốp Lau, xã Mường Ải, Kỳ Sơn (Nghệ An) đã tích cực tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép.
Ông Hoa Phò Ngành chia sẻ với người dân: “Thú dữ trong rừng cũng sắp hết, việc bảo vệ mùa màng, nương rẫy đã có Bộ đội Biên phòng, cán bộ xã lo, cho nên dân bản ta cũng không cần cất giữ vũ khí nữa, dân bản ta hãy tự giác giao nộp cho cán bộ đi thôi”. Nghe theo lời nói phải, sự phân tích có lý, có tình của ông Hoa Phò Ngành, người dân có vũ khí đã tự giác giao nộp cho tổ công tác.
Những nỗ lực ấy của Người có uy tín, tiêu biểu là ông Ngành, cùng chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Ải, đã góp phần ngăn chặn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, đảm bảo an toàn khu vực biên giới, gìn giữ sự bình yên ở các bản làng.
Có thể thấy, ông Mùa Khua Dơ, ông Hoa Phò Ngành cùng hàng nghìn Người có uy tín tiêu biểu trên khắp cả nước, bằng sự trải nghiệm trong thực tiễn, họ có mối quan hệ mật thiết với Nhân dân tại địa phương nơi sinh sống và những vùng dân cư lân cận; đã tích cực cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan tuyên truyền, giáo dục, vận động con cháu, dòng họ, người dân sinh sống trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giúp các ngành chức năng đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật…
Bằng uy tín và ảnh hưởng của mình, Người có uy tín đã vận động Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo phần tử xấu kích động chống phá chính quyền; vận động tín đồ trong các tôn giáo “sống tốt đời đẹp đạo”; ngăn chặn hoạt động truyền đạo, phát triển đạo trái pháp luật.
Đặc biệt, Người có uy tín thường tích cực vận động Nhân dân, tín đồ đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật; tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân.
Có thể nói, với vai trò của mình, Người có uy tín đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối, là một lực lượng nòng cốt để tuyên truyền tới Nhân dân hiểu và chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, xây dựng cuộc sống văn hóa, văn minh.