Thời gian qua, công tác rà soát, xác định các hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở một số địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến người dân chưa đồng thuận. Vẫn còn tình trạng không ít người nhà cán bộ có nhà lầu, xe hơi mà vẫn thuộc diện “hộ nghèo, cận nghèo” được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gây bức xúc dư luận một thời gian dài.
Theo quy định, để được hỗ trợ theo chính sách hộ nghèo, cận nghèo định kỳ phải trải qua quy trình 7 bước rất chặt chẽ, gồm: Xác định, lập danh sách các hộ cần rà soát; tổ chức rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát; công khai niêm yết danh sách, biên bản họp dân thống nhất kết quả; báo cáo, xin ý kiến thẩm định của UBND cấp huyện; công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn; báo cáo chính thức kết quả rà soát… Theo đó, chính quyền cơ sở được trao quyền trong thực thi chính sách rà soát hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.
Chính quyền cấp xã là khâu cuối cùng thực thi chính sách giảm nghèo và cũng là nhân tố quyết định đến kết quả triển khai chính sách trong đời sống. Song, dường như việc trao quyền trong thực thi chính sách rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đang có phần “quá sức” với một số chính quyền cơ sở, khi chính sách rà soát hộ nghèo hoặc chưa được vận dụng một cách thỏa đáng, hoặc bị lạm dụng để trục lợi, tư lợi. Bởi trên thực tế vẫn có không ít nhà lớn, xe nhỏ, “ông nọ bà kia”, vẫn lọt qua nhiều vòng “kiểm duyệt”.
Nguyên nhân phải chăng xuất phát từ tâm lý nể nang, “cào bằng chính sách” để “hoa thơm ai cũng được ngửi” hay đến từ sự thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, thẩm định của chính quyền cơ sở? Bởi, chỉ cần một lần “trượt tay” khi chấm điểm tài sản, người ta cũng có thể đưa một hộ nào đó “vào” hoặc “ra” khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Như tại Thanh Hóa, vào thời điểm năm 2020, khi dịch Covid-19 vừa diễn ra, thì mới có những câu chuyện đáng buồn xung quanh việc phát hiện nhiều hộ nghèo, cận nghèo là người thân cán bộ cấp xã có nhà xây khang trang. Sự việc chỉ bị phát hiện khi có gói trợ cấp cho một số đối tượng bị tác động bởi dịch Covid-19. Mọi chuyện có lẽ đã có thể đi theo lộ trình đơn giản và “tốt đẹp” của nó, nếu sự việc một số hộ nghèo và cận nghèo bị đặt “nhầm chỗ” không bị phát hiện. Tuy nhiên, mọi chuyện vỡ lở khi có gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã gây bức xúc trong dư luận cả nước.
Câu chuyện người nhà cán bộ thuộc diện “hộ nghèo, cận nghèo” cũng có thể có sự nể nang, nương tay, châm chước trong quá trình rà soát; hoặc có sự chỉ đạo, gửi gắm từ “cán bộ” đối với ban chỉ đạo rà soát; hoặc do chính quyền cơ sở cố tình “mắt nhắm mắt mở” trong khi phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo...
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan và nhiều góc độ, bởi trên thực tế có không ít người nhà cán bộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Bởi chỉ cần một vụ canh tác được mùa hoặc chuyển đổi giống cây trồng thành công có thể giúp nhiều gia đình thoát nghèo hoặc mất mùa, thiên tai hay bệnh tật thì lại tái nghèo. Chuyện bình xét hộ nghèo, cận nghèo ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn cũng đầy thách thức, bởi thu nhập bình quân nhiều nơi chỉ tăng được 1, 2 lần so với 5 năm trước. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến điệp khúc thoát rồi tái nghèo lặp đi lặp lại.
Để việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo một cách công khai, minh bạch, không thể để quan niệm “phép vua thua lệ làng” tồn tại trong quá trình triển khai chính sách vào đời sống.
Do vậy, để điều chỉnh những bất cập về việc triển khai chính sách giảm nghèo, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ thay đổi những điều kiện về hộ nghèo và hộ cận nghèo, mà nó còn hướng tới thay đổi nhận thức của từng hộ dân nỗ lực thoát nghèo, công tâm trong bình xét hộ nghèo.
Theo chuẩn nghèo mới, hộ nghèo là hộ có thu nhập từ bằng hoặc dưới 1.500.000 đồng/tháng ở khu vực nông thôn và có thu nhập từ bằng hoặc dưới 2.000.000 đồng/tháng ở khu vực thành thị được xác định là hộ nghèo. Chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản tăng từ 5 chiều với 10 chỉ số đo lường lên 6 chiều với 12 chỉ số đo lường hộ nghèo. Hộ được xác định nghèo khi không đạt về tiêu chí thu nhập và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Chuyện giả nghèo, giả khổ ở thôn làng, giờ rất khó. Nhà nào mua gì, sắm gì, thậm chí ăn gì, hàng xóm láng giềng đều biết rõ. Để được bình xét, chấm điểm, thôn làng nào cũng phải họp lên họp xuống nhiều lần, công khai danh sách nhiều ngày để cả thôn biết.
Chỉ có công khai, minh bạch thu thập, mức sống, không nể nang, không mang yếu tố "tình làng nghĩa xóm" trong bình xét hộ nghèo, thì mới góp phần giảm nghèo thực chất.