Theo thống kê, ngành chế biến thủy sản của nước ta hiện có gần 600 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế gần 2,8 triệu tấn sản phẩm/năm, chiếm 8-11% tổng giá trị kim ngạch cả nước. Trình độ công nghệ chế biến và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản Việt Nam được nâng cao. Tỷ trọng sản phẩm sơ chế chiếm 51%; sản phẩm làm sẵn chiếm 36%; sản phẩm ăn liền chiếm 13%. Các trang thiết bị máy móc hiện đại, giúp nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng.
Hiện nay, có hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu thủy sản của nước ta. Việc nghiên cứu và áp dụng khoa học trong chế biến bảo quản thủy sản đã tạo ra nhiều mặt hàng mới, làm thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản. Từ chỉ có những mặt hàng thủy sản sơ chế, đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam khá phong phú, đa dạng, giá trị gia tăng ngày càng cao, tỷ trọng sản phẩm gia tăng đạt gần 50%, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài.
Một số tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản đã được áp dụng rộng rãi. Tiến sĩ Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Viện đã nghiên cứu và phát triển bộ công cụ quan trắc môi trường nước tự động nhằm đo, giám sát môi trường nước theo thời gian thực. Việc thu thập các thông tin môi trường nước kịp thời, thông báo liên tục cho chủ đầm nuôi tôm sẽ giúp cảnh báo sớm cho người nuôi các chỉ số vượt ngưỡng cho phép trong nước, ảnh hưởng sự sinh tồn của con tôm để có hướng xử lý kịp thời.
Công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực đã được cải thiện, đáp ứng nhu cầu thị trường. Số lượng, chất lượng con giống cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể, cá rô phi cơ bản được nâng lên, đủ để sản xuất; tỷ trọng giống tôm nước lợ chất lượng được sản xuất trong nước tăng đáng kể, kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường trong nước; giống tôm sú bước đầu được xuất khẩu sang các nước như: Indonesia, Thái Lan, Bangladesh… Công nghệ nuôi tiên tiến trên thế giới như công nghệ biofloc được ứng dụng phổ biến ở các địa phương ven biển để nuôi tôm nước lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao và phòng, chống được một số bệnh trên tôm nuôi, giảm ô nhiễm môi trường...
Hiện nay, hơn 2.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản ở gần 50 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật này. Năng suất nuôi tăng bình quân 5,6 lần/năm. Kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực đang được sử dụng phổ biến ở hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước. Hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) được áp dụng tại một số cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, cá cảnh của một số đơn vị như: Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn thủy sản Việt-Úc, Công ty TNHH Hải Thanh...
Nhờ ứng dụng khoa học-công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, đến nay, nhiều mô hình nuôi tôm, cá công nghệ cao xuất hiện ngày một nhiều hơn ở các địa phương như: Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Bình Thuận… Điển hình như mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho thu nhập 2-3 tỷ đồng/ha/năm.
Cũng nhờ áp dụng khoa học-kỹ thuật, tại tỉnh Cà Mau, hiện đã gia tăng tổng sản lượng tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ), đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada, Hồng Công (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Đáng chú ý, tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) đã hình thành mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp. Với quy mô 10 ha mặt nước và 1.000 m3 mặt đất, đây là trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Mới đây, Tập đoàn thủy sản Việt-Úc đã khởi công xây dựng Dự án phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao với quy mô gần 200 ha, tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Dự án có quy mô sản xuất 3 tỷ con tôm giống/năm và xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm với năng suất khoảng 100-300 tấn/ha/năm, tương ứng 5.800-17.400 tấn/năm.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong nuôi trồng thủy sản còn có sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngày càng thường xuyên và thực chất hơn. Điển hình là các doanh nghiệp như: Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Tập đoàn thủy sản Việt-Úc; Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Nam Việt, Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam... đã tạo động lực và kết nối mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hoạt động khoa học-công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhìn chung hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn vẫn thấp. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay của người dân còn hạn chế, trong khi nhu cầu kinh phí ban đầu để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ cao là rất lớn.
Mặt khác, quy mô nuôi của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ; hệ thống cấp thoát nước, đường điện, giao thông tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư đồng bộ. Nhận thức, trình độ của người dân không đồng đều cũng là một rào cản trong việc tiếp cận với khoa học-công nghệ…
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin khoa học-công nghệ cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu khoa học-công nghệ vào lĩnh vực thủy sản; đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong ngành thủy sản. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh-yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản./.