Theo đó, với tổng kinh phí trên 295 tỷ đồng, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư 527 công trình hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc Mông. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.
Ghi nhận tại Hùng Lợi, xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó trên 47% là đồng bào dân tộc Mông. Tại đây, từ năm 2015 đến năm 2018, xã Hùng Lợi đã được hỗ trợ trên 10,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất.
Ông Dương Minh Tỏa, dân tộc Mông, thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi cho biết, năm 2017, ông được hỗ trợ 4 thùng ong giống và được tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật về nuôi ong từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất 135. Sau 3 năm, ông đã phát triển thêm 20 thùng ong, mỗi năm cho thu từ 70-80 lít mật. Gia đình ông còn trồng 6 ha cây keo và trên 400 cây cam sành, cam vinh và nuôi 2 con trâu nhờ đó gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tương tự, người Mông ở Bản Túm, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) đã khá lên nhiều từ thực hiện đề án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông từ năm 2013. Theo đó, xã Trung Hà phối hợp với khuyến nông huyện làm mô hình trồng mía thâm canh tăng năng suất ở Bản Túm, với 14 hộ đồng bào dân tộc Mông tham gia, quy mô 2,35ha. Hiện nay, cây mía sinh trưởng tốt, bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập cho các hộ dân tộc Mông ở đây.
Anh Thào Seo Chí cho biết, được Nhà nước hỗ trợ trồng mía với 4000m2, vụ đầu năm 2017 trừ chi phí anh còn lãi 20 triệu đồng. Cây mía đã góp phần thay đổi cuộc sống của người Mông, cái nghèo khó đã bớt đi nhiều.
TRANG TÂM