Xu hướng lựa chọn nghề nghiệp
Tư vấn, hướng nghiệp để phân luồng học sinh là định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau; hoặc tham gia vào thị trường lao động tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội. Trên tinh thần này, hoạt động hướng nghiệp, tư vấn càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội, góp phần cung ứng nguồn nhân lực, với cơ cấu phù hợp nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người.
Nhìn từ các trường THPT ở Nghệ An sẽ thấy, xu hướng nghề nghiệp hiện rõ qua tư vấn, tuyển sinh. Dù chưa đến thời điểm làm hồ sơ thi tốt nghiệp và xét nguyện vọng vào đại học, nhưng nhiều lớp có tỷ lệ học sinh không có nguyện vọng đăng ký vào đại học chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều.
Ví dụ như Trường THPT Tương Dương 2, huyện Tương Dương: Có 70% học sinh không đăng ký vào đại học, Trường THPT Nam Đàn 2, Nam Đàn có 3 lớp khối 12 là C8, C9, C10 có đến 100% học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp.
"Được thầy cô định hướng, tư vấn nghề, qua năng lực bản thân, từ thực tế xã hội hiện nay, em không dự định vào đại học, vì em lo sẽ không xin được việc làm sau khi ra trường. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ đi du học theo hình thức vừa học, vừa làm để nhanh chóng có thu nhập và đỡ đần được gia đình", em Nguyễn Gia Huyền, học sinh lớp 12C8 Trường THPT Nam Đàn 2, Nam Đàn chia sẻ.
Một tín hiệu tích cực tại Nghệ An trong những năm gần đây, đó là học sinh đã bắt đầu lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực, hoàn cảnh gia đình và sở trường của cá nhân, thay vì chạy theo số đông. Con đường vào đại học không còn là lựa chọn duy nhất, khi mỗi năm có khoảng 40% học sinh THPT lựa chọn học nghề hoặc các ngành nghề khác, thay vì chỉ đăng ký vào đại học…
Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT cũng là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục, được các nhà trường ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị chú trọng. Theo thầy Nguyễn Đình Nghĩa - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú - Tiểu học và THCS Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị), mỗi tháng nhà trường tổ chức 1 tiết giảng dạy hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.
Trường còn thường xuyên kết nối, hợp tác với các trường THPT trên địa bàn, các trường ngoại tỉnh như Trường Cao đẳng Luật miền Trung (Đồng Hới, Quảng Bình), Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình... để tư vấn, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh. Thầy Nghĩa cho biết: Thông qua những buổi trao đổi, giáo viên phân tích để học sinh hiểu và lựa chọn nghề phù hợp, nhằm mang lại lợi ích trong tương lai. Qua đó, học sinh của nhà trường cũng nắm bắt thông tin và đưa ra những lựa chọn cho bản thân. Đa số học sinh của trường tham gia học tập ở các trường nghề. Đặc biệt, năm vừa qua tỷ lệ học sinh tham gia học nghề đạt hơn 70%.
Thay vì vào đại học, xu thế học nghề hoặc du học đang được nhiều học sinh và gia đình lựa chọn. Theo lý giải, thì việc học nghề sẽ có việc làm ngay sau khi ra trường, đỡ lãng phí thời gian, công sức và tiền của. Còn với du học, nhiều học sinh có nguyện vọng đi du học đều lựa chọn phương án “vừa học, vừa làm tự nuôi sống bản thân” thay cho hai mục đích khác là “kiến thức, bằng cấp” hay “cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”. Đó chính là những tín hiệu tích cực trong lựa chọn nghề nghiệp hiện nay của các bạn trẻ, để có được công việc phù hợp sở thích, năng lực, phù hợp xu thế xã hội…
Vẫn còn nhiều khó khăn
Thực ra, tư vấn và hướng nghiệp là nội dung được các trường thực hiện định kỳ hàng năm. Không chỉ lớp 12 mà ngay từ giai đoạn học THPT như lớp 10 - 11, thậm chí giai đoạn THCS, các em đã được định hướng nghề nghiệp. Việc được hướng nghiệp từ sớm càng giúp các em nhận ra mình thích điều gì, có điểm mạnh gì và điểm yếu như thế nào để có thể chọn được một nghề nghiệp hay công việc thật phù hợp trong tương lai. Hướng nghiệp càng sớm, giúp các em có thời gian để chuẩn bị tinh thần, kiến thức cũng như tìm hiểu sâu về nghề từ đó giúp nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, chọn được nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội.
Thế nhưng, việc phân luồng để tư vấn, hướng nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Và khó khăn đầu tiên đến từ nhận thức chưa đầy đủ của học sinh. Xin dẫn một ví dụ cụ thể về một nam sinh đã bỏ học Trường Trung cấp nghề Yên Thành (Nghệ An) cách đây 2 năm. Sau tốt nghiệp Trường THCS Liên - Lý, Nguyễn Văn M. thi vào THPT không đủ điểm và được tư vấn học nghề kết hợp học văn hóa. Nếu chăm chỉ, học tốt thì sau 3 năm sẽ có một bằng nghề và bằng tốt nghiệp THPT. Thầy cô, gia đình đã tư vấn với Mạnh như thế, nhưng học nghề chỉ hơn 1 năm, Mạnh theo chúng bạn bỏ học đi làm thuê tận Bắc Ninh và nay, không trụ được đã bỏ về nhà.
Bên cạnh đó, tư tưởng, tâm lý, suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh về định hướng nghề cũng chưa thật sự tốt, có nhiều trường hợp còn “thả nổi”, “phó mặc”… con cái muốn học, muốn chọn ngành nào cũng được… gây khó khăn cho việc tư vấn của các trường. Trong khi đó, học sinh cũng không hiểu được đầy đủ những đặc điểm tâm sinh lý, những phẩm chất và năng lực của bản thân để lựa chọn hướng đi, nghề nghiệp tương lai cho phù hợp.
Thực tiễn những năm qua, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đồng thời chính sách thi tuyển sinh đại học với điểm sàn chung thấp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng thông qua xét điểm học bạ THPT, thì cơ hội để học sinh tốt nghiệp THPT vào học đại học được mở rộng hơn. Hệ lụy là việc phân luồng học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp thấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp càng khó khăn hơn trong tuyển và thu hút học sinh.
Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn học tập và tư vấn nghề cho học sinh đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng bàn như: không được quan tâm đúng mức; thiếu hệ thống thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; thiếu cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và việc làm, về ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo, về chính sách đối với người học và xu hướng thị trường lao động cũng như nhu cầu nhân lực của thị trường lao động…
Những hạn chế về chính sách lao động, việc làm và chính sách lương đối với người tốt nghiệp trình độ sơ cấp và trung cấp, cũng là những bất cập dẫn đến hạn chế trong việc thu hút học sinh vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gây khó khăn cho tư vấn, hướng nghiệp.
Vì thế, để thực hiện hiệu quả chủ trương phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đòi hỏi phải triển khai từ rất sớm và đồng bộ các giải pháp, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ sở giáo dục, đào tạo, gia đình và các doanh nghiệp.