Kể từ khi xuất hiện đại dịch toàn cầu Covid-19 đến nay, đợt bùng phát dịch lần thứ 4, bắt đầu từ 27/4, được cho là nghiêm trọng nhất, sức tàn phá khủng khiếp nhất và tác động động sâu sắc nhất đến mọi mặt của đời sống xã hội. Chỉ nhìn vào mấy con số cũng đủ để thấy SASR-Cov-2 gây tổn thất lớn đến mức nào: Tính đến ngày 18/11, cả nước có 23.476 người tử vong do Covid-19, trong đó TP. Hồ Chí Minh là 17.347 người.
Hơn 23 nghìn con người trên mọi miền đất nước đã tử vong vì đại dịch chính là nỗi đau buồn lớn không gì bù đắp và khỏa lấp.
Cha ông xưa từng nói: Còn người còn của! Nghĩa rằng, dù mất tất cả nhưng khi sự sống còn chảy trong tấm thân này thì chúng ta có thể bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng. Nay người mất rồi thì còn gì nữa đâu. Trong những mất mát, đau thương, thì mất tính mạng con người chính là mất mát lớn nhất, không gì bù đắp hết, không gì khỏa lấp nổi.
Những ngày vừa qua, trong tâm khảm của những người ở lại có lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ, nỗi tiếc thương vô hạn vì người thân đã qua đời trong cơn dịch dã. Nỗi đau buồn cũng vì thế mà đã tăng lên bội phần, trở thành niềm day dứt không yên với những người đang sống, với những người may mắn hơn sau sự càn quét của dịch bệnh.
Tôi, bạn và chúng ta may mắn hơn bao người khác bội phần, vì ít ra đã không phải chịu cảnh chia lìa, chịu cảnh đau thương do đại dịch. Trước nỗi đau đồng loại, xin hãy kính cẩn nghiêng mình. Đó là sự sẻ chia, đồng cảm cần thiết và cần phải có trong lúc này; để linh hồn những người tử nạn vì dịch bệnh được siêu thoát, để người thân của họ vợi bớt đau thương.
Tối hôm nay (19/11), đại lễ cầu siêu tưởng nhớ những đồng bào tử vong, những cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì dịch bệnh chính thức được cử hành trang trọng và thành kính. Trong những ngày qua, tại gia đình những người thân đã qua đời vì dịch bệnh, họ cũng đã làm lễ cầu siêu, cầu an cho những người đã mất. Trong một số cuộc họp quan trọng của Quốc hội cũng đã dành những phút mặc niệm dành cho những người xấu số do dịch bệnh.
Lễ tưởng niệm là cần thiết, phải làm và nên làm. Điều ấy không chỉ là để những người qua đời vì SASR-Cov-2 được siêu thoát, mà còn là niềm an ủi tinh thần lớn nhất cho những người còn sống.
Vì thế, Lễ tưởng niệm mang trong mình trọng trách lớn lao là khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tối nay, trên khắp cả nước sẽ đồng loạt diễn ra các hoạt động tưởng niệm những người đã khuất vì đại dịch. Trong ánh nến hồng, trong khói trầm hương, trong lung linh sắc màu của triệu đóa hoa, cả dân tộc sẽ cúi đầu thêm một lần tưởng nhớ và tiễn biệt những linh hồn xấu số. Đó không chỉ là tình dân tộc, mà còn là nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn, trong bao mất mát, đau thương vì dịch bệnh.
Tối nay, sẽ có rất nhiều người thân của những người qua đời vì dịch bệnh cùng cầu nguyện. Trong tiếng kinh nguyện cầu, tiếng mõ đều đều… sẽ là tiếng lòng thổn thức của những người ở lại. Trong những nghi thức quan trọng là sự tưởng niệm, tri ân của những người đang sống với những người đã bước vào “thế giới người hiền”. Lễ tưởng niệm thêm một lần nữa khẳng định sự sẻ chia, chung tay xoa dịu nỗi đau vì dịch bệnh để người dân cả nước đoàn kết, kề vai bước tiếp sau những mất mát, đau thương. Hơn hết, những mất mát lớn nhất, phải trả giá bằng số mệnh con người sẽ là bài học “khắc cốt, ghi tâm” để cả xã hội thêm những kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh, chống chọi lại dịch bệnh.
Thật đáng quý và trân trọng xiết bao, khi sau dịch dã, sau những mất mát đau thương, điều đọng lại lớn nhất vẫn là tình người. Đó mãi mãi sẽ là kim chỉ Nam soi đường, chỉ lối để cả dân tộc kết đoàn cùng tiến về phía trước.